Trang tin Sputnik dẫn lại kết quả nghiên cứu này cho thấy nhóm tham gia nghiên cứu này sau khi bị hạn chế thời gian sử dụng mạng xã hội trong ba tuần liên tục đã có những cải thiện đáng kể về cảm giác đơn độc, trầm cảm so với nhóm vẫn sử dụng mạng xã hội với tần suất như bình thường.
Điều đáng chú ý là nhóm nghiên cứu nhận thấy có sự giảm bớt cảm giác lo lắng và sợ bị bỏ quên ở cả hai nhóm tham gia nghiên cứu. Cả hai nhóm cùng có ý thức rõ ràng hơn trong việc hạn chế sử dụng mạng xã hội, mặc dù ở một nhóm là bị bắt buộc hạn chế thời gian sử dụng, còn nhóm đối chứng là ý thức tự kiểm soát thời gian này.
Bà Melissa Hunt, giáo sư tâm lý học thuộc đại học Pennsylvania, chủ trì nghiên cứu, cho biết: "Kết quả rất ấn tượng. Điều chúng tôi nhận thấy qua ba tuần là tỉ lệ cô đơn, trầm cảm đã giảm đáng kể ở những người hạn chế thời gian sử dụng mạng xã hội của họ".
Cũng theo bà Melissa Hunt, đây là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra mối liên hệ rõ ràng giữa chuyện giảm bớt số thời gian sử dụng mạng xã hội và mức độ cải thiện tình trạng cô đơn, trầm cảm của con người.
Điều này thoạt nghe có vẻ trớ trêu, song với một chuyên gia tâm lý như bà Hunt, nó lại không có gì bất ngờ. "Việc giảm bớt thời gian sử dụng mạng xã hội sẽ giúp chúng ta kết nối nhiều hơn với những người khác, và điều đó thực sự giúp con người bớt đơn độc và trầm cảm", chuyên gia tâm lý học phân tích.
Mặc dù nghiên cứu không chỉ ra rõ ràng các nguyên nhân vì sao mạng xã hội lại làm tăng cảm giác cô đơn và trầm cảm, nhưng theo bà Hunt, có hai lý do chính ở đây là sự so sánh trên mạng xã hội và cảm giác sợ bị bỏ quên, bị lạc lõng của mỗi người khi sống "ảo" quá nhiều.