Theo các nguồn tin thân cận của The Wall Street Journal (WSJ), Elon Musk đã phổ biến kế hoạch IPO (phát hành công khai lần đầu) cho Twitter trên bàn đàm phán với các nhà đầu tư, sau khi thâu tóm và hoạt động dạng công ty tư nhân khoảng 3 năm.
Elon Musk sẽ IPO Twitter sau khoảng 3 năm nữa
WSJ nhận định nỗ lực tư nhân hóa Twitter của Musk nhằm giải quyết những vấn đề một cách nhanh chóng, khi không phải chịu sự chi phối của các cổ đông, sau đó quay trở lại sàn chứng khoán. Từ đó, Musk có được lòng tin của các nhà đầu tư về khả năng cải thiện tình hình kinh doanh của công ty một cách nhanh chóng.
Trước đó, một số kế hoạch đã được tỉ phú công nghệ công bố ngay sau khi đạt được thỏa thuận mua lại Twitter, có thể kể đến như nới lỏng kiểm duyệt nội dung, hạ lương lãnh đạo để tiết kiệm chi phí, đưa ý tưởng thu phí một số nhóm đối tượng người dùng.
Giữ chân các nhà đầu tư
Trong thỏa thuận gần 44 tỉ để mua lại Twitter, Musk đã phải cam kết bỏ ra 21 tỉ USD tiền túi để nhận được những cái "gật đầu" của ban quản trị nền tảng này. Dù là người giàu nhất thế giới với khối tài sản ròng đến thời điểm hiện tại là 257 tỉ USD, các số liệu ước tính đều cho rằng Musk chỉ sở hữu khoảng 3 tỉ USD tiền mặt và tài sản có tính thanh khoản cao.
Khoan nói đến những tài sản ngầm Musk sở hữu mà không có bất kỳ số liệu chính xác nào có thể nêu ra, Musk sẽ chỉ có hai sự lựa chọn: hoặc tranh thủ dựa vào các nhà đầu tư mới, các cổ đông cũ, hoặc phải bán cổ phiếu Tesla và tiền điện tử mã hóa.
Theo hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) ngày 29.4, Musk đã bán thêm 5,2 triệu cổ phiếu của hãng xe điện Tesla, trị giá hơn 4 tỉ USD. Cộng dồn với cả hai phiên giao dịch trước đó (vào ngày 26 và 27.4), Musk đã bán 9,6 triệu cổ phiếu Tesla, giá trị ước tính khoảng 8,4 tỉ USD.
Như vậy, Musk cần tranh thủ hơn vào các nhà đầu tư để không phải bán thêm cổ phiếu Tesla hay tiền điện tử và những động thái quyết liệt ở hiện tại là cách để giữ chân họ.
Đảm bảo cam kết với ngân hàng
Để đủ tiền mua đứt Twitter, Musk đã phải trở thành con nợ siêu bự của các ngân hàng, tổ chức tài chính lớn như Ngân hàng Mỹ (Bank of America) hay Morgan Stanley với số tiền giải ngân lên đến 13 tỉ USD, được đảm bảo bằng tài sản của Twitter. Vì sự hạn chế trong dòng tiền của Twitter, các ngân hàng không đồng ý nâng hạn mức khoản vay và buộc Musk phải "gồng" thêm một khoản vay ký quỹ 12,5 tỉ USD và khoản vay này được thế chấp bằng cổ phiếu Tesla.
Một trong những điều khoản của thương vụ lịch sử này là bên nào đơn phương hủy bỏ thỏa thuận sẽ phải bồi thường cho bên còn lại khoản phí chấm dứt hợp đồng lên đến 1 tỉ USD.
Do đó, đây là giai đoạn hết sức quan trọng và tất cả những gì Musk cần làm là phải chứng minh được tương lai mới của Twitter.