Dự án điện toán đám mây này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng và khả năng cạnh tranh kinh tế của EU.
Ngày 5/12, Ủy ban Châu Âu (EC) phê duyệt khoản trợ cấp lên tới 1,2 tỷ euro (1,3 tỷ USD) cho Dự án Cơ sở hạ tầng và Dịch vụ đám mây thế hệ mới (IPCEI CIS), nhằm thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp nội khối vào lĩnh vực đang do các công ty Mỹ thống trị.
IPCEI CIS sẽ nhận được ủng hộ tài chính từ bảy quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU), bao gồm Pháp, Đức, Hungary, Ý, Hà Lan, Ba Lan và Tây Ban Nha.
Didier Reynders, ủy viên EU phụ trách chính sách cạnh tranh, cho biết dự án điện toán đám mây IPCEI ban đầu sẽ tạo ra khoảng 1.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp cho các nhà khoa học dữ liệu hoặc chuyên gia AI, sau đó sẽ tạo thêm 5.000 việc làm nữa.
“Đánh giá của chúng tôi cho thấy dự án thực sự mang tính đổi mới, khi tài chính công được sử dụng để góp phần khiến nền kinh tế toàn khối trở nên sáng tạo và hiệu quả”, uỷ viên này cho hay.
Nếu dự án điện toán đám mây này thành công đến mức tạo thêm doanh thu, các công ty sẽ phải hoàn lại một phần viện trợ. Những kết quả đầu tiên dự kiến sẽ có vào khoảng cuối năm 2027.
IPCEI của Liên minh Châu Âu được thiết kế để kết hợp các lĩnh vực nghiên cứu, tài chính và kinh doanh, từ đó tạo đà cho tăng trưởng và khả năng cạnh tranh kinh tế của EU, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số của khối này.
Kể từ năm 2018, Ủy ban đã phê duyệt sáu IPCEI về pin, hydro, ví điện tử và công nghệ truyền thông.
Dự án điện toán đám mây châu Âu có sự tham gia của 19 công ty và nhà mạng, bao gồm các công ty Pháp Atos và Orange, Deutsche Telekom và SAP của Đức, Telecom Italia và Telefonica Espana của Tây Ban Nha.
Trước khi dự án điện toán đám mây này ra đời, Amazon, Microsoft và Google là 3 "ông lớn" của Mỹ đang dẫn đầu trong ngành điện toán đám mây toàn cầu.