Những người này cho biết tài khoản Facebook và Instagram của họ, cũng như của các cựu nhân viên và thành viên gia đình, đã bị chặn. Hôm 26.11, nhóm người này đã đệ đơn lên tòa án Tel Aviv để yêu cầu buộc Facebook phải bỏ quyết định chặn tài khoản mà theo họ là "đột ngột và không báo trước", theo Reuters.
Ứng dụng nhắn tin WhatsApp, thuộc sở hữu của Facebook, kiện NSO ở California (Mỹ) hồi tháng 10.2019 với cáo buộc giúp đỡ điệp viên của chính phủ xâm nhập vào điện thoại của khoảng 1.400 người dùng trên khắp bốn châu lục. Vụ tấn công này được cho là nhắm vào các nhà ngoại giao, nhà bất đồng chính trị, nhà báo và quan chức chính phủ cao cấp.
Facebook nói rằng đã vô hiệu hóa các tài khoản có liên quan, sau khi quy trách nhiệm vụ “tấn công mạng tinh vi” cho NSO và nhân viên của tập đoàn này. “Những hành động đó [việc chặn các tài khoản] là cần thiết vì lý do bảo mật, bao gồm cả việc ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo”, Facebook viết trong tuyên bố của mình. Facebook nói thêm rằng chỉ kích hoạt trở lại các tài khoản nói trên qua quá trình tố tụng.
Các nguyên đơn nói rằng Facebook đã áp dụng "hình phạt tập thể" để thực hiện quy trình pháp lý mà Facebook đang đeo đuổi nhằm chống lại NSO. Họ cũng cho biết vụ kiện được đưa ra sau nhiều lần khiếu nại nhưng không được Facebook trả lời.
“Chặn tài khoản cá nhân là hành động gây tổn thương và bất công đối với chúng tôi, cũng như việc lục soát dữ liệu cá nhân cho mục đích sử dụng nào đó rất đáng lo ngại”, các nguyên đơn viết trong thông cáo của mình. Các nguyên đơn này nói sẽ “tiếp tục giúp đỡ các chính phủ trên khắp thế giới ngăn chặn tội phạm và khủng bố thông qua công nghệ mà chúng tôi đang phát triển”.
WhatsApp cáo buộc NSO tạo điều kiện cho các vụ tấn công ở 20 quốc gia, trong đó có Mexico, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Bahrain. Phát biểu tại Tel Aviv hôm 25/11, Chủ tịch NSO Shiri Dolev phủ nhận cáo buộc này, nói rằng các công nghệ của NSO làm cho thế giới an toàn hơn.