Yêu cầu này được nêu trong lá thư chung của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr, Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel và Bộ trưởng Nội vụ Australia Peter Dutton.
Nội dung bức thư nêu rõ các bộ trưởng yêu cầu Facebook ngừng triển khai kế hoạch mã hóa đầu-cuối (end-to-end encryption) trong các dịch vụ tin nhắn của mạng này nếu không có cách để các cơ quan luật pháp tiếp cận nội dụng tin nhắn trong trường hợp cần thiết để bảo vệ người dân.
Bức thư kêu gọi Facebook và các công ty khác đảm bảo không mã hóa hệ thống tin nhắn quá chuyên biệt để cơ quan hành pháp có thể đọc hoặc sử dụng nội dung khi cần thiết.
Yêu cầu được gửi tới cho CEO Facebook Mark Zuckerberg được cho là làm nóng trở lại tranh cãi giữa các công ty công nghệ và các cơ quan chính phủ.
Một bên muốn bảo vệ quyền riêng tư của người dùng bằng cách mã hóa các tin nhắn trong khi bên còn lại lo ngại việc mã hóa có thể tạo điều kiện cho kẻ xấu che đậy âm mưu.
Hiện nền tảng tin nhắn WhatsApp của Facebook đang áp dụng công nghệ mã hóa đầu-cuối (chỉ cho phép người gửi và người nhận đọc tin nhắn đã được mã hóa).
Facebook cũng dự định sẽ mở rộng công nghệ này với các ứng dụng khác trong cùng hệ thống, bao gồm cả ứng dụng nhắn tin Messenger.
Theo Facebook, việc mã hóa tin nhắn đầu-cuối có thể bảo vệ các đoạn trao đổi của hơn một tỷ người mỗi ngày.
Phản ứng trước lá thư kể trên, Facebook khẳng định việc sử dụng công nghệ mã hóa đang ngày càng phổ biến trong ngành thông tin liên lạc và nhiều ngành kinh tế quan trọng khác.
Mạng xã hội này phản đối mạnh mẽ mọi sự can thiệp có thể làm suy yếu quyền riêng tư và an ninh của mọi người ở khắp nơi trên thế giới.
Trong khi đó, trả lời trong chương trình phát trực tiếp hỏi đáp hàng tuần của công ty, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg bảo vệ quyết định mã hóa các dịch vụ tin nhắn của công ty dù không ít câu hỏi bày tỏ quan ngại về tác động của công nghệ này tới các hoạt động tội phạm. Tỷ phú công nghệ cam kết sẽ thực hiện các bước để giảm thiểu tác hại từ biện pháp này.