Báo cáo cho biết, những trang web đen này được FBI vận hành để lây nhiễm máy tính khách truy cập với một phần mềm độc hại khai thác lỗ hổng trên hệ thống. Trang web được truy cập thông qua trình duyệt Tor - công cụ giúp người dùng ẩn danh khi truy cập internet. Tuy nhiên, phần mềm độc hại của FBI yêu cầu trình duyệt Tor phải cung cấp thông tin chi tiết về khách để điều tra.
Theo báo cáo, các trang web có thể lưu trữ các thông tin này trên máy chủ của FBI trong vòng 30 ngày.
Đây là phương pháp được FBI mở rộng so với những gì mà cơ quan này áp dụng trong năm 2015, với chỉ một trang web thu giữ thông tin duy nhất, dẫn tới hàng chục vụ truy tố người dùng trang web.
Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý đã bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng về các tiền lệ khác nhau được thiết lập bởi các cuộc điều tra, đặc biệt khi các nhân viên điều tra vượt quá thẩm quyền của mình.
Liên minh tự do dân sự người Mỹ (ACLU) đã chú ý tới vấn đề này bởi vì có một sự thay đổi sắp xảy ra với các quy định liên quan đến giới hạn pháp lý về quyền truy cập thông tin từ xa. Vào đầu năm 2015, Google đã lên tiếng phản đối sự thay đổi vì cho rằng nó đe dọa và phá hoại quyền riêng tư cũng như tính bảo mật của người dùng internet. Thượng nghị sĩ bang Oregon - Ron Wyden cũng đã nói rằng ông phản đối việc thay đổi luật lệ, nhưng hiện tại dường như có rất ít cơ hội để chặn lại điều luật khi nó bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1.12 tới đây.
Đó không phải là mối quan tâm duy nhất về cuộc điều tra. Cách thức của FBI trong trường hợp ban đầu có thể được thực hiện bên ngoài biên giới Mỹ, và một số chuyên gia pháp lý nói rằng điều đó có thể làm xói mòn chủ quyền quốc gia và đe dọa các mối quan hệ đối ngoại của Mỹ.