Chi nhánh tại Trung Quốc của Hon Hai đã đạt thỏa thuận đầu tư với chính quyền tỉnh Giang Tô, trong đó bao gồm xây dựng các nhà máy sản xuất smartphone, TV màn hình tinh thể lỏng, chíp, cơ sở nghiên cứu phát triển và trung tâm vận tải. Thành phố Nam Kinh sẽ hỗ trợ về tài chính cũng như đất đai và cơ sở hạ tầng khác.
Trước đó, hồi tháng 7, Foxconn cho biết sẽ đầu tư 10 tỷ USD mở nhà máy tại bang Wisconsin, Mỹ. Dự kiến, nhà máy này ban đầu sẽ sử dụng khoảng 3.000 công nhân. Về sau, số lao động tại nhà máy có thể tăng lên con số 13.000 người. Đây là nhà máy đầu tiên của Foxconn tại Mỹ.
Hồi tháng 2, hãng sản xuất Đài Loan cũng bắt tay vào xây dựng nhà máy màn hình quy mô 9 tỷ USD tại Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Foxconn hiện là hãng sản xuất điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới với 700.000 công nhân ở Trung Quốc, giảm từ 1 triệu người sau khi tự động hóa nhiều quy trình. Trong đó, lắp ráp iPhone là hoạt động mang về nhiều doanh thu nhất cho công ty này.
Mỗi năm, công ty này xuất xưởng khoảng 70% trong số 210 triệu chiếc iPhone, theo hãng tư vấn đầu tư Yuanta Investment Consulting tại Đài Bắc. Hiện Foxconn lắp ráp iPhone chủ yếu tại Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, còn được biết đến là “thành phố iPhone”.
Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu Foxconn tăng hơn 40% nhờ phiên bản iPhone 8 được mong chờ, nâng giá trị vốn hóa của công ty này lên hơn 129 tỷ USD, lớn hơn Sony và Nintendo.
Ngoài iPhone, Foxconn cũng lắp ráp iPads, máy đọc sách Kindle cho Amazon.com, máy chơi game cho Sony và Nintendo, robot Pepper cho SoftBank Group, hay server cho HP.
Việc hãng này mở rộng thêm cơ sở sản xuất được cho là nhằm đón đầu sự bùng nổ của smartphone Trung Quốc.
Sau khi nhà sáng lập, chủ tịch Terry Gou của công ty này thăm Nhà Trắng hồi tháng 7 và tuyên bố đầu tư vào Mỹ với Tổng thống Donald Trump, giới phân tích bày tỏ lo ngại rằng Foxconn sẽ chuyển hướng đầu tư ra bên ngoài Trung Quốc. Tuy vậy, với khoản đầu tư 5 tỷ USD lần này, Foxconn muốn cho thấy sự cân bằng trong kế hoạch mở rộng ra cả Bắc Kinh và Washington.