Mạng xã hội ưu ái cho việc ái kỷ của mỗi cá nhân
TS Đặng Hoàng Giang cho rằng: "Chuyện gia đình là nền tảng, là một tế bào cơ bản của xã hội vẫn là một chân lý. Một trong những khủng hoảng lớn của xã hội đương đại hiện nay là nền tảng gia đình bị lung lay không còn ổn nữa. Tỉ lệ ly hôn, đặc biệt là “ly hôn xanh” ngày càng nhiều. Các bạn trẻ không e dè việc ly hôn.
Dường như họ đánh mất khả năng thỏa hiệp trong cuộc sống hằng ngày bởi cái tôi quá lớn.
Khả năng sống cùng người khác trong cộng đồng nhỏ như gia đình, cơ quan... không còn quan trọng với họ nữa. Mạng xã hội dường như ưu ái cho việc ái kỷ của mỗi cá nhân nên khả năng sống với người khác của giới trẻ càng tệ đi”.
Liên quan đến vấn đề sử dụng mạng xã hội càng nhiều như hiện nay, trước đó nhiều tiễn sĩ, nhà khoa học nước ngoài cũng từng đưa ra những cảnh báo.
Trong một bài viết trên Tạp chí Tâm lý học Ngày nay, Tiến sĩ Alex Lickerman khẳng định công nghệ đã làm cho con người khó kết nối với nhau hơn trước đây.
Khó kết nối với nhau hơn trước, dễ tổn thương...
Ông cho biết những chia sẻ trên mạng ít được đồng cảm hơn so với những cuộc nói chuyện trực tiếp. Thêm nữa các chia sẻ này cũng khó hiểu hơn do những hạn chế của công nghệ.
“Mạng xã hội khiến các mối quan hệ của chúng ta trở nên dễ tổn thương hơn, bởi chúng dễ dàng gây hiểu lầm. Sự thể hiện ý nghĩ không thông qua lời nói (có thể chiếm tới 40% liên lạc ngày nay của con người) là hoàn toàn phiến diện”, tiến sĩ Lickerman nói.
Trong một bài viết khác, bác sĩ Susan Biali đưa ra quan điểm “sử dụng internet gắn liền với việc đánh mất bạn bè ngoài đời thực”.
Tiến sĩ Kate Roberts – một nhà tâm lý học tại Boston nói việc dành nhiều thời gian online không giúp phát triển kĩ năng giao tiếp và những tư duy cảm xúc. Nó khiến chúng ta mất đi khả năng thu hút người khác, “tán tỉnh”, gây dựng tình cảm ở đối phương và tạo ra sự kết nối.
Trước những cảnh báo trên thì Việt Nam có hơn 1/3 dân số sở hữu tài khoản Facebook.
1/3 dân số Việt Nam có tài khoản Facebook
Theo những số liệu thống kê vừa được Facebook công bố, hiện tại Việt Nam có 35 triệu người dùng Facebook hoạt động hàng tháng, đồng nghĩa với việc hơn 1/3 dân số tại Việt Nam (92 triệu người) sở hữu tài khoản Facebook.
Trong số đó, 21 triệu người dùng Facebook tại Việt Nam truy cập hàng ngày vào mạng xã hội này thông qua thiết bị di động. Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng lớn thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia (82 triệu người) và Thái Lan (37 triệu người).
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Viện Xã hội học (Viện Khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam), nguy cơ tiềm ẩn của các trang mạng xã hội đối với trẻ đó chính là hội chứng “trầm cảm Facebook”.
Khi trẻ em và thanh thiếu niên dành quá nhiều thời gian để vào các website này thì cũng là lúc những thói quen như ăn uống, ngủ nghỉ, kết bạn... bắt đầu thay đổi. Nguy hại hơn, trẻ có xu hướng kết bạn và chơi theo một nhóm cô lập… Đó là những dấu hiệu của bệnh trầm cảm.
Sự hiện diện và phát triển của mạng xã hội là khách quan nhưng tiếp nhận, tham gia và sử dụng như thế nào là tùy thuộc vào chủ quan người dùng. Trình độ nhận thức về văn hóa, xã hội, nền tảng đạo đức, lối sống của gia đình, ảnh hưởng của môi trường sống… là những nhân tố quan trọng giúp người sử dụng phân định ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của mạng xã hội đối với cuộc sống của mình.