"Giọng đẹp, ý hay" sẽ có thể kiếm bộn tiền trên mạng xã hội

Tạp chí Nhịp sống số - Tương tự Youtuber, streamer, những người phát triển nội dung ghi âm trên mạng xã hội cũng có thể kiếm tiền. Ngay từ bây giờ, bạn có thể bắt đầu hắng giọng luyện tập và chờ một ngày "thời tới cản không nổi"...

Mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook mới đây cho biết, nhu cầu sử dụng âm thanh trên các nền tảng của họ như cuộc gọi trên WhatApp và Messenger đang ngày một tăng. Đối với các nền tảng giao tiếp trực tuyến, lời nói và âm thanh chính là phương tiện truyền đạt tốt nhất các câu chuyện, mọi người có thể dễ dàng kết nối với nhau hơn.

Đây chính là những tiềm năng lớn để nội dung âm thanh trở nên hấp dẫn và thu hút nhiều người nghe trên mạng xã hội. Nhưng muốn điều này thành hiện thực, người dùng cần những công cụ đơn giản nhưng vẫn có hiệu quả cao.

Theo Facebook, họ đang xây dựng một bộ công cụ tạo âm thanh mới. Giống như ảnh và video, Facebook muốn mọi người có các công cụ đủ mạnh cho những người chuyên nghiệp, đồng thời vẫn trực quan và thú vị - mang lại trải nghiệm tương tự như có một phòng thu âm nằm ngay trong túi của mình.

Công cụ này có thể chuyển giọng nói thành văn bản,  lọc tạp âm khi người dùng ghi âm ở giữa nơi ồn ào. Sau đó những bản ghi âm có thể lồng thêm nhạc từ thư viện của Facebook hoặc lồng thêm hiệu ứng như các filter của ảnh.

Định dạng nội dung âm thanh mới

Công cụ âm thanh mới đang được Facebook thử nghiệm.

Ngoài việc tạo ra công cụ ghi âm tốt hơn, người dùng cũng cần có cách tiếp cận âm thanh mới. Facebook gọi đây là Soundbites và có thể đăng như Facebook story. Nội dung những đoạn âm thanh này có thể là câu chuyện cười, một khoảnh khắc truyền cảm hứng, một bài thơ và hơn thế nữa.

Hiện tại việc phát triển các nội dung như vậy đã bắt đầu được thử nghiệm. Diễn viên hài Drew Lynch đã chia sẻ những câu nói ngắn gọn và đánh giá đồ ăn của mình; doanh nhân Tobe Nwigwe chia sẻ trong “trò chuyện cùng Tobe” về việc làm cha và là một người Mỹ gốc Nigeria thế hệ đầu tiên.

Bên cạnh những bản ghi âm ngắn, Facebook cũng tin tưởng vào khả năng phát triển của một định dạng phổ biến là Podcast. Các Podcast không thật sự phổ biến ở Việt Nam nhưng ở nhiều nước, đây là dạng nội dung âm thanh được nhiều người yêu thích. Podcast có thể là một bài báo, một tác phẩm văn học được tóm tắt hay là một buổi trò chuyện về chủ đề người nghe quan tâm.

Trong tương lai gần, những nội dung Podcast sẽ xuất hiện ngay trong Facebook, giống Facebook Watch của video. Không khó để tìm thấy các fan page, các nhóm trên mạng xã hội này chuyên chia sẻ các Podcast hấp dẫn cho các thành viên. Điều này đủ thấy người dùng sẵn sàng với nội dung định dạng này thế nào.

Một cách khác để sử dụng âm thanh trên mạng xã hội là các phòng trò chuyện trực tuyến. Khác với việc gửi tin nhắn ghi âm trong các group, phòng trò chuyện giống như một webinar âm thanh. Mọi người có thể cùng nghe những thành viên trong nhóm nói chuyện trực tiếp, cùng thảo luận, đặt câu hỏi và trả lời bằng giọng nói ngay tức thì.

Tất cả những cách sử dụng âm thanh trên đều đòi hỏi phải được thiết kế một cách trực quan, dễ dùng, dễ tiếp cận với mọi người sử dụng Facebook.

Cơ hội kiếm tiền mới

Cũng giống với các streamer, Youtuber, những người tạo nội dung âm thanh trên Facebook cũng có thể kiếm tiền từ các bản ghi âm của mình.

Mạng xã hội cho biết họ có cơ chế cho phép người nghe ủng hộ “sao” cho những người mà họ yêu thích. Việc ủng hộ sẽ nằm trong chức năng Phòng âm thanh trực tiếp sắp ra mắt.

Nhưng để được ủng hộ như các streamer, những người sáng tạo nội dung âm thanh cũng cần có sự đầu tư tương ứng, đặc biệt là về nội dung, ngoài việc sáng tạo, đó còn phải là điều các khán giả muốn nghe.

Có thể bạn quan tâm

Apple cuối cùng đã có một bước tiến lớn vào thế giới trí tuệ nhân tạo (AI) bằng việc công bố Apple Intelligence dành cho iPhone, iPad và Mac tại hội nghị các nhà phát triển - WWDC 2024.