Theo CNBC, Stadia cho phép người dùng chơi game cao cấp mà không cần mua máy chơi game đắt đỏ. Theo Google, đây là “nền tảng game cho tất cả mọi người”. Tất cả công việc cần làm để cho ra trò chơi được thực hiện trên đám mây của Google.
Hãng công nghệ Mỹ giải thích một chút về cách Stadia hoạt động. Hãng cho hay nếu ai đó đang xem video về game trên YouTube, họ có thể nhấn nút “chơi ngay” và nhảy vào trò chơi trong năm giây. Hiện tại, game thủ phải mua trò chơi thực hoặc đợi, đôi khi là nhiều tiếng, để game được tải về trước khi chơi. Thậm chí ngay sau đó, họ cũng cần phần cứng đặc biệt để chơi.
Stadia của Google sẽ chạy trên bất cứ loại màn hình nào song ban đầu, nó chạy trên màn hình máy tính để bàn, laptop, TV, máy tính bảng và điện thoại di động. Không có hộp chơi game nào. Google cho hay: “Với Stadia, trung tâm dữ liệu là nền tảng của bạn”. Game thủ có thể bắt đầu trên một nền tảng, sau đó chơi tiếp trên một thiết bị khác. Điều này đồng nghĩa với việc bạn có thể chơi game trên máy tính để bàn, và tiếp tục chơi trên điện thoại khi rời khỏi nhà.
Người dùng chơi game với bàn phím và chuột, hoặc với bộ điều khiển Stadia đặc biệt mà Google sẽ bán. Game còn có lựa chọn chụp, cho phép người chơi chia sẻ trò chơi của họ ngay trên YouTube để mọi người cùng xem. Nó cũng có nút Google Assistant, cho phép truy cập vào microphone cho tính năng trò chuyện trong game mà các nhà phát triển có thể tích hợp vào trò chơi.
Google cho hay sẽ hỗ trợ các trò chơi 4K ở 6fps với HDR, song trong tương lai sẽ hỗ trợ các trò chơi có độ phân giải lên đến 8K. Hầu hết mọi người không sở hữu TV 8K và chỉ các máy chơi game gần nhất từ Microsoft và Sony có hỗ trợ trò chơi 4K HDR. AMD là hỗ trợ phần xuất đồ họa trên đám mây. Cổ phiếu AMD tăng khoảng 7-8% sau khi Google công bố Stadia.
Hiện hãng công nghệ Mỹ cần studio game xây dựng trò chơi cho Stadia. Các nhà phát triển có thể xây dựng trên đám mây của họ hoặc trong studio của riêng mình. Hãng ID Software đã làm trò “Doom Eternal” cho Stadia và giới thiệu nó. Một nhà phát triển khác là Tequila Studios thì có game “Rime” chạy trên nền tảng. Song ngoài ra, không có nhiều lựa chọn game lớn được công bố cho Stadia. Thách thức lớn nhất của Google lúc này là thuyết phục các nhà phát triển đưa game bom tấn lên nền tảng.
Chuyên gia Patrick Moorhead, chủ tịch kiêm nhà phân tích chính tại Moor Insights & Strategy nhận định Microsoft thực tế sẵn sàng cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến hơn Google vì hãng đã có quan hệ với các nhà sản xuất game và lượng “fan”, những người mua máy chơi game, lớn. Ngoài Microsoft, Google còn có thể gặp thách thức từ Amazon vì hãng này cũng được cho là đang xây dựng dịch vụ game đám mây, với mục tiêu sau này chạy các trò như “New World”.