Theo một bài báo trong ấn phẩm Đài Loan, hai công ty đang trong giai đoạn đàm phám cuối cùng của thương vụ mua lại này. Tuy nhiên, bài báo không tiết lộ Google sẽ mua lại HTC với giá bao nhiêu.
Thỏa thuận này sẽ đánh dấu sự trở lại đầy bất ngờ của một đối thủ phần cứng với sự hậu thuẫn của Google, sau 3 năm hãng này bán mảng smartphone của Motorola cho Lenovo.
Khi Google đầu tư nhiều hơn vào việc xây dựng các thiết bị của riêng họ, giống như điện thoại Pixel, việc sở hữu một công ty con chuyên sản xuất smartphone có thể giúp họ mạnh mẽ hơn và thách thức hơn so với các đối thủ sừng sỏ hiện nay là Samsung và Apple - nhà sản xuất hàng đầu với sản phẩm đặc trưng iPhone.
Hiện đại diện của Google và HTC từ chối bình luận về thương vụ này.
CEO Google Sundar Pichai.
Trong khi đó, UBS trích dẫn bài báo của Commercial Times lại cho rằng, thỏa thuận này sẽ chỉ liên quan đến bộ phận nghiên cứu và phát triển smartphone của HTC. UBS cho rằng, hợp đồng này chỉ là vụn vặt và không làm ảnh hưởng tới tài chính của công ty mẹ của Google – Alphabet.
Trong số những lợi ích tiềm tàng của thỏa thuận này, UBS cho biết “tích hợp sâu hơn phần cứng/phần mềm sẽ bù đắp một số vấn đề phân mảnh Android – đây được coi là một nhược điểm của nền tảng này so với Apple iOS.
Sau khi thông tin này bị rò rỉ, cổ phiếu của Alphabet vẫn không hề suy suyển trong phiên cuối cùng ngày hôm qua (7/9).
Liệu lịch sử có lặp lại?
Theo một bài báo của Bloomberg hồi tháng trước, HTC đã phải thăm dò các lựa chọn khi doanh số bán smartphone của hãng giảm sút và hoạt động kinh doanh tai nghe thực tế ảo đang bắt đầu vật lộn để cất cánh. Việc bán lại mảng kinh doanh smartphone sẽ là cứu cánh để họ có nguồn đầu tư vào bộ phận VR và cắt thua lỗ từ mảng smartphone khiến họ kiệt quệ.
Tuy nhiên, nếu mua lại HTC thì đây sẽ là một động thái thực sự kỳ cục đối với Google. Bởi năm 2011 họ đã mua lại mảng kinh doanh smartphone của Motorola với giá 12,5 tỷ USD trong nỗ lực tăng cường tham vọng phần cứng của hãng trong thị trường smartphone. Motorola đã phát hành một vài thiết bị cầm tay khi được điều hành dưới trướng Google, nhưng không thiết bị nào trong số đó trở thành “bom tấn” thực sự và không thể có chỗ đứng trên thị trường ngang ngửa với Samsung và Apple. Chính vì vậy, năm 2014, Google đã phải bán tháo Motorola cho Lenovo với giá hết sức bèo bọt – 2,9 tỷ USD – chỉ bằng 1/4 so với giá mua ban đầu. Do đó, vẫn chưa rõ lý do gì khiến Google lại quyết định mua HTC trong khi vài năm trước họ cũng đã phải bán đi một nhà sản xuất smartphone có nền tảng lâu đời như Motorola.
Google vẫn ôm tham vọng sản xuất phần cứng
Tuy bán đi Motorola nhưng Google vẫn quan tâm tới phần cứng và đây được coi là lĩnh vực phát triển mới cho công ty bên ngoài hoạt động kinh doanh quảng cáo cốt lõi của họ.
Năm ngoái, Google thành lập bộ phận sản xuất phần cứng mới dưới sự điều hành của Cựu Chủ tịch Motorola Rick Osterloh – người mà chịu trách nhiệm về các sản phẩm như điện thoại Pixel (sản phẩm được Google hợp tác với HTC để sản xuất), loa Google Home, tai nghe thực tế ảo Daydream View VR. Do đó, nếu thỏa thuận mua lại HTC hoàn tất có lẽ “gã khổng lồ” tìm kiếm vẫn đang ấp ủ tham vọng sản xuất thiết bị phần cứng để thúc đẩy các mảng kinh doanh bên ngoài phần cốt lõi chỉ dựa vào quảng cáo.
Google dự kiến sẽ phát hành bản cập nhật cho điện thoại Pixel và Chromebook màn hình cảm ứng mới vào tháng 10 tới.