Theo The Verge, chương trình Station của Google đang hoạt động ở Brazil, Nam Phi, Nigeria, Thái Lan, Philippines, Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và dự kiến sẽ được đóng trên toàn cầu trong năm nay.
Sáng kiến Wi-Fi miễn phí được công bố lần đầu tiên vào cuối năm 2015 như một cách thức để tăng thêm số lượng người trực tuyến ở Ấn Độ bằng cách cung cấp dịch vụ tại 400 nhà ga. Trạm đầu tiên Mumbai Central đã đi vào hoạt động tháng 1.2016 và cuối năm đó Google chính thức đặt tên cho dự án là Google Station, đồng thời hợp tác với các địa điểm khác như quán cà phê và trung tâm thương mại. Mặc dù đạt mục tiêu 400 trạm vào tháng 6.2018, công ty cho biết công việc của họ vẫn còn dang dở. Trong khi đó tại Nam Phi, Google ra mắt Station vào tháng 11/2019 tại 125 địa điểm.
Google cho biết dịch vụ Station được nhiều người ưa thích. Cụ thể vào tháng 6/2018, họ có 8 triệu người dùng Station hằng tháng tiêu thụ trung bình 350 MB dữ liệu mỗi phiên truy cập. Hơn một nửa số người dùng Station kết nối với dịch vụ nhiều lần trong ngày.
Google đã quyết định kết thúc chương trình Station vì việc mở rộng quy mô và tạo ra một doanh nghiệp bền vững trở nên khó khăn. Công ty đã làm việc với các đối tác khác nhau ở mỗi thị trường nơi họ cung cấp dịch vụ Station nhưng mỗi nơi có các yêu cầu về cơ sở hạ tầng và kỹ thuật khác nhau. Ở Ấn Độ, Google đã làm việc với RailTel, Indian Railways, và Pune Smart City Pune, trong khi ở Nam Phi hãng cộng tác với Think WiFi.
Google cũng xác nhận rằng sự phổ biến ngày càng tăng của 4G kết hợp với giá dữ liệu di động giảm trên toàn thế giới ảnh hưởng đến dịch vụ được ra mắt vào năm 2016 này khiến chương trình Wi-Fi miễn phí trở nên ít cần thiết hơn. Google trước đây đã cố gắng kiếm tiền từ dịch vụ này bằng cách hiển thị quảng cáo cho người dùng đã đăng nhập vào dịch vụ.
Google cho biết họ đang làm việc với các đối tác của mình để có thể chuyển đổi cơ sở hạ tầng hiện có để chúng vẫn có thể duy trì tài nguyên hữu ích cho cộng đồng.
Google không phải là công ty duy nhất thực hiện sứ mệnh cung cấp Wi-Fi miễn phí. Facebook thành lập dự án Internet.org vào năm 2013 và năm 2016, họ đã ra mắt Express Wi-
Fi ở Ấn Độ sau khi dịch vụ internet trước đó bị cấm ở nước này. Ở những nơi khác, các công ty đã thử nghiệm nhiều công nghệ mới để cung cấp internet ở những nơi có cơ sở hạ tầng cố định không đáng tin cậy. Dự án Project Loon của Alphabet đã cố gắng thực hiện điều này bằng cách sử dụng các khinh khí cầu heli ở tầng bình lưu, trong khi Facebook cũng đã thử nghiệm máy bay không người lái chạy bằng năng lượng mặt trời.