Hiện tại, các hệ thống trí thông minh nhân tạo dù đã phát triển vượt bậc, tuy nhiên vẫn không thể học hỏi nhanh như bộ não con người.
Chính vì vậy, tổ chức Intelligence Advanced Research Projects Activity (IARPA) muốn biến điều này thành hiện thực.
Được biết, tổ chức chính phủ này đã đầu tư tới 28 triệu USD vào ba bộ phận thuộc Đại học Harvard để tìm hiểu lý do vì sao não bộ con người có thể học hỏi và tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, trái ngược với những “bộ óc” nhân tạo. Ví dụ, một con người chỉ cần nhìn từ một tới vài lần để có thể nhận ra trước mắt mình là một chiếc xe, tuy nhiên một hệ thống trí thông minh nhân tạo (AI) phải được trình chiếu hàng ngàn hình ảnh để có thể ghi nhớ và phát hiện cùng chiếc xe đó.
Các nhà nghiên cứu tại các bộ phận School of Engineering and Applied Sciences (SEAS), Center for Brain Science (CBS) và Department of Molecular and Cellular Biology (DMC) vừa qua đã được giao nhiệm vụ ghi lại tất cả các hoạt động của nơ ron thần kinh trong vỏ não. Họ sẽ phải nghiên cứu cách các nơ ron kết nối với nhau. Sau đó, dữ liệu nghiên cứu này sẽ được sử dụng để tạo ra một trí thông minh nhân tạo có khả năng học hỏi tương đương với con người.
Tất nhiên, đây là một nghiên cứu cực lớn và các nhà nghiên cứu cũng “không ảo tưởng rằng nó sẽ dễ dàng”. Quá trình nghiên cứu này dự kiến sẽ cho ra hơn 1 petabyte dữ liệu (tương đương 1.6 triệu đĩa CD), và rất có thể cũng sẽ “tiện đường” mở ra một kỷ nguyên xử lý dữ liệu tốc độ cao trong tương lai.