Sự kiện được phối hợp thực hiện cùng Trung tâm CNTT-Truyền thông Vietnet (Vietnet-ICT), Aptech và Trung tâm Đào tạo Lập trình Empire Code (Singapore). Ngoài ra, diễn đàn còn có sự tham gia đồng hành của nhiều đối tác chiến lược của Microsoft gồm Cục CNTT (Bộ Giáo dục – Đào tạo), Vinschool và các tổ chức NGO như REACH, CED, MCD, MSD, VCCI và nhiều đối tác khác.
“Để Việt Nam có thể tiến xa hơn trong cuộc cách mạng cộng nghiệp lần thứ 4, việc phổ cập và ứng dụng công nghệ vào giáo dục và đào tạo được xem như là chìa khóa dẫn đến thành công.” Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám Đốc Microsoft Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục và đào tạo số: “Chúng ta cần nhận ra tầm quan trọng trong việc trang bị các kỹ năng số cần thiết, cũng như trau dồi và khơi nguồn đam mê các lĩnh vực STEM cho thế hệ trẻ, bởi đây chính là lực lượng lao động nòng cốt trong tương lai của Việt Nam. Và điều này cần được thực hiện song song từ hai hướng: đào tạo giáo viên và giáo dục học sinh.”
Hiện nay, nhu cầu các công việc thuộc các ngành nghề STEM chiếm tới 60%, trong khi sinh viên tốt nghiệp chỉ đáp ứng được 2% nhu cầu đó
Theo báo cáo về chuyển đổi số tại các nước Châu Á Thái Bình Dương 2018 do Microsoft phối hợp cùng IDC thực hiện, thiếu hụt nguồn nhân lực hiểu biết về công nghệ là một trong ba thách thức lớn nhất cho việc chuyển đổi số của doanh nghiệp, và cũng là khó khăn mà nhiều quốc gia đang gặp phải trong quá trình chuyển đổi số của đất nước.
Tổng kết cuộc thi “Giờ Lập Trình 2018” và sân chơi Hackathon lập trình cho trẻ em:
“Giờ Lập Trình” là một phong trào được phát động toàn cầu, nhằm giúp tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ tiếp cận, trải nghiệm, tích lũy được những kiến thức cơ bản về việc lâp trình chỉ trong 1 giờ đồng hồ, từ đó phát triển niềm đam mê và theo đuổi nghề nghiệp trong lĩnh vực STEM (khoa học - công nghệ – kỹ thuật – toán học). Đây là một trong các hoạt động nâng cao nhận thức thuộc dự án “Tăng cường kỹ năng CNTT cho giới trẻ hội nhập và phát triển – YouthSpark Digital Inclusion” của Microsoft tại Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT, Vietnet-ICT và Quỹ Dariu tổ chức.
Sau gần hai tháng phát động và triển khai, chương trình Giờ Lập trình 2018 đã tiếp cận và thực hiện đào tạo kỹ năng lập trình cơ bản cho hơn 136.000 học sinh ở độ tuổi từ 6 đến 18 tại 466 trường học và tổ chức giáo dục, trong đó 56.000 học sinh đến từ các tỉnh thuộc khu vực miền Nam và 80.000 đến từ các tỉnh thuộc khu vực miền Bắc.
Tổng kết Giờ lập trình tại miền Bắc và miền Nam, các giải thưởng đã được trao cho các tập thể nhà trường và giáo viên xứng đáng, bao gồm: 09 trường học tích cực, 22 giáo viên tích cực, 06 khoảnh khắc ấn tượng và 06 video ấn tượng (xem phụ lục đính kèm).
Được cùng tổ chức tại sự kiện, Hackathon Lập trình cho trẻ em là một sân chơi giao lưu và thực hành lập trình dành cho 100 em học sinh đến từ các trường học triển khai Giờ Lập trình khu vực miền Bắc, từ thành thị, đồng bằng cho đến các vùng miền núi xa xôi. Các em được chuyên gia đào tạo lập trình từ Empire Code (Singapore), Microsoft và Vietnet-ICT hướng dẫn lập trình với micro:bit- thiết bị máy tính lập trình nhỏ trên trang www.makecode.org. Để hoàn thành nhiệm vụ lập trình cho dự án “Thi đấu thể thao - Ai vợt cầu lông mạnh nhất?”, các em đã trải qua gần 3 giờ vừa học vừa thực hành, thiết kế sản phẩm với những kiến thức về cảm biến, gia tốc, vòng lặp,….
Thông qua sân chơi, các em được rèn luyện tư duy logic, tăng cường sự sáng tạo và khả năng làm việc nhóm, cùng tìm tòi và thử nghiệm để tạo nên sản phẩm lập trình có tính ứng dụng cao. Từ đó, các em được truyền cảm hứng và nuôi dưỡng niềm đam mê với công nghệ và khoa học máy tính.
Tổng kết 3 năm chương trình YouthSpark:
Chương trình hỗ trợ cộng đồng YouthSpark của Microsoft được triển khai tại Việt Nam từ năm 2015 với mục tiêu thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số. Kết thúc 3 năm, chương trình đã bồi dưỡng hơn 2.000 cán bộ giáo viên về phương pháp giảng dạy kỹ năng số và tạo ra cơ hội kinh tế cho hơn 200.000 thanh thiếu niên trên toàn quốc.
Tại Diễn đàn Giáo dục đổi mới sáng tạo trên nền tảng CNTT, các tổ chức đối tác thực hiện chương trình Youthspark trong 3 năm đã triển lãm kết quả và hình ảnh nổi bật về các dự án cộng đồng đã được triển khai, bao gồm: dự án Tăng cường kỹ năng CNTT cho giới trẻ hội nhập và phát triển hợp tác với Vietnet-ICT; dự án “Con thuyền mơ ước” hợp tác với Quỹ Dariu và Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD); dự án Technology for Social Impact- Công nghệ vì cộng đồng, hợp tác với Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD); chương trình Học bổng dành cho nữ sinh- Microsoft YouthSpark hợp tác với Trung tâm giáo dục và phát triển (CED); chương trình đào tạo nghề và định hướng nghề nghiệp cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn hợp tác với Trung tâm REACH; dự án Tăng cường kỹ năng làm việc, khởi nghiệp cho thanh niên hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI.
Những kết quả đạt được từ các dự án YouthSpark được chia sẻ sâu hơn tại Đối thoại cộng đồng Microsoft với các khách mời là những thanh thiếu niên hưởng lợi của chương trình YouthSpark và giáo viên giảng dạy chương trình. Mỗi khách mời là một câu chuyện cảm động, ý nghĩa về sự thay đổi trong giáo dục nhờ có CNTT và khoa học máy tính.
Là một học sinh dân tộc thiểu số tại Hòa Bình, em Bùi Thị Thư mỗi ngày đều rời nhà từ 6h sáng và đi bộ để đến trường, nơi em được truy cập máy tính và hoc chương trình Tin học ứng dụng và khoa học máy tính của dự án YouthSpark Digital Inclusion. Em chia sẻ: “Ban đầu, em cảm thấy rụt rè và e sợ vì em chưa bao giờ được lập trình với máy tính. Nhưng bây giờ em đã có thể làm được, em thấy rất vui.”
Cùng với các đối tác phi chính phủ, Microsoft sẽ tiếp tục nỗ lực để nhân rộng tác động của các dự án cộng đồng tại Việt Nam.
Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn Giáo dục Việt Nam - Đổi mới sáng tạo trên nền tảng CNTT, Microsoft công bố kết quả chung cuộc của sân chơi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT 2018, sân chơi dành cho những giáo viên tiên phong tích hợp công nghệ thông tin một cách hiệu quả và sáng tạo vào công tác giảng dạy và học tập, được tổ chức thường niên từ năm 2014.