Tại họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết hiện nay có 3 nhà mạng được cấp phép triển khai thí điểm Mobile Money là VNPT, Mobifone và Viettel.
"Tổng số tài khoản Mobile Money đã mở đến nay là 2,34 triệu tài khoản, trong đó hơn 69% số tài khoản được mở ở các vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Số lượng các điểm kinh doanh dịch vụ Mobile Money là hơn 8.200 điểm, trong đó gần 4.500 điểm ở các vùng sâu, vùng xa", ông nói.
Về số dư tài khoản, ông Tuấn cho biết hiện có khoảng 21 tỷ đồng. Tổng giao dịch thực hiện trong 11 tháng là 929 tỷ đồng, trong đó giao dịch chuyển tiền chiếm 586 tỷ đồng.
Ngoài ra, đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép 45 đơn vị cung ứng dịch vụ ví điện tử. Đến hết quý III đã có 127 triệu ví, trong đó có gần 47 triệu ví đã kích hoạt với tổng số tiền hơn 3.300 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 9/3/2021, Thủ tướng ban hành Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, tức Mobile Money. Cuối tháng 11/2021, ba doanh nghiệp viễn thông là Viettel, VNPT, MobiFone được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận thí điểm dịch vụ trong 2 năm (đến cuối năm 2023).
Nếu muốn đăng ký, người dùng cần sở hữu SIM chính chủ có thời gian sử dụng ít nhất 3 tháng, đi kèm các quy định định danh theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Tài khoản Mobile Money sẽ tách biệt hoàn toàn với tài khoản viễn thông (dùng để gọi điện, nhắn tin).
Để nạp tiền vào tài khoản, người dùng có thể thực hiện thông qua ví điện tử, ngân hàng hoặc đến trực tiếp điểm giao dịch của nhà mạng. Hoạt động giao dịch chỉ được thực hiện trong phạm vi nội địa với hạn mức 10 triệu đồng/tháng.
Điểm khác biệt giữa tài khoản Mobile Money với các phương tiện hiện nay là không cần phải có tài khoản ngân hàng, không cần phải đến các điểm giao dịch ngân hàng, các máy rút tiền ATM… để rút tiền, nạp tiền và chuyển tiền theo nhu cầu của khách hàng.