Hôm nay (13/4/2024), Lễ Vinh danh và Trao Giải thưởng Sao Khuê 2024 đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là chương trình do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tham dự Lễ trao Giải thưởng Sao Khuê 2024 có Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Lãnh đạo các Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Kế hoạch Đầu tư, cùng trên 500 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của hơn 100 doanh nghiệp công nghệ số có sản phẩm, dịch vụ được vinh danh.
Các đề cử đạt Giải thưởng Sao Khuê 2024 chiếm gần 30% doanh thu toàn ngành
Nhận định Sao Khuê là một trong những giải thưởng uy tín của ngành CNTT Việt Nam, phát biểu tại Lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương đánh giá: Qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, giải thưởng đã ghi nhận những đóng góp to lớn của các doanh nghiệp, cá nhân trong quá trình phát triển công nghiệp ICT Việt Nam; tôn vinh các sản phẩm, giải pháp CNTT Việt Nam có chất lượng, hiệu quả và được thị trường tin tưởng. Giải thưởng đã góp phần thúc đẩy phát triển, ứng dụng CNTT.
“Trong suốt chặng đường đó, giải thưởng Sao Khuê không chỉ vinh danh các sản phẩm, dịch vụ xuất sắc mà đặc biệt hơn là kể được những câu chuyện truyền cảm hứng cho cộng đồng, doanh nghiệp trong lĩnh vực này, góp phần phát triển công nghiệp ICT Việt Nam”, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nhận xét.
Với sự tham gia tích cực vào quá trình thay đổi mạnh mẽ của công nghệ toàn cầu, Việt Nam có thể tự hào về những bước chuyển mình mạnh mẽ của ngành công nghiệp ICT, theo Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương. Một trong những điểm nhấn là tổng doanh thu của ngành năm 2023 đã gấp khoảng 240 lần so với năm 2000, tăng trưởng doanh thu bình quân từ 15 – 20%, tức là gấp đôi tăng trưởng GDP cả nước.
Tham gia vào bức tranh tăng trưởng sáng màu đó, theo số liệu từ Ban tổ chức Giải thưởng Sao Khuê, doanh thu năm 2023 của 169 đề cử đạt giải năm nay là hơn 73 ngàn tỉ đồng (tương đương hơn 3 tỉ USD), chiếm gần 30% doanh thu của toàn ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam năm 2023.
Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng mạnh mẽ AI
Đại diện BTC cho biết, Giải thưởng Sao Khuê 2024 có 8 nền tảng, giải pháp AI chuyên biệt, nhưng có đến hơn 90% các sản phẩm, dịch vụ đã được tích hợp các ứng dụng AI để hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, người dân.
Thực tế cho thấy, các ngành, các lĩnh vực tại Việt Nam đang thực hiện số hóa rất nhanh và mạnh mẽ. Dữ liệu lớn đang được tạo ra ngày càng nhanh và nhiều. Đây là một trong những điều kiện rất tốt cho nghiên cứu, ứng dụng và phát triển của AI.
Ở góc độ rộng hơn, thế giới cũng đang có nhu cầu rất lớn về AI. Khu vực APAC cũng là khu vực mong muốn các nhà cung cấp tích hợp các công cụ AI nhất, với tỷ lệ 90% so với 77% ở Châu Âu và 68% ở Châu Mỹ (theo Nghiên cứu của Moody Analytics). Mặc dù Việt Nam vẫn đang ở khoảng cách quá xa so với các nước trong khu vực về cả nghiên cứu lẫn ứng dụng AI trong thực tế, nhưng đã xuất hiện hàng loạt các giải pháp ứng dụng, nền tảng, trợ lý ảo trí tuệ nhân tạo (AI) “Make in Vietnam” do doanh nghiệp công nghệ Việt nghiên cứu, phát triển. Điều này kỳ vọng sẽ không chỉ mang lại sự bùng nổ ứng dụng AI trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, phục vụ chính quyền, người dân và doanh nghiệp, giúp tối ưu hóa nguồn lực, tăng hiệu quả hoạt động của tổ chức và năng suất lao động, mà còn giúp các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam thuận lợi trong công cuộc Go Global.
Trao 169 Giải thưởng Sao Khuê 2024 cho 117 doanh nghiệp
Đại diện BTC cho biết, chương trình năm nay có sự đổi mới cơ bản cấu trúc của Giải thưởng, với 57 lĩnh vực chia thành 8 nhóm lĩnh vực gồm: Chính phủ, Chính quyền, Khu vực công; Cộng đồng & Người dân; Quản trị Doanh nghiệp; Kinh tế – Công nghiệp; Thị trường – Tiêu dùng; Hạ tầng – Công nghệ số; Đổi mới sáng tạo và Dịch vụ số. Điều này không chỉ phản ánh kịp thời hơi thở của ngành, sự trưởng thành của các doanh nghiệp công nghệ số, của thị trường phần mềm, CNTT Việt Nam…, mà còn kịp thời cổ vũ sức sáng tạo của doanh nghiệp, thúc đẩy thực hiện chủ trương đúng đắn của các cơ quan nhà nước, của Chính phủ.
Năm nay, sau gần 3 tháng phát động nhận hồ sơ, Giải thưởng Sao Khuê 2024 tiếp tục ghi nhận “kỷ lục mới” về số lượng đề cử đăng ký tham gia lớn nhất từ trước đến nay, với 340 hồ sơ đề cử. Ban tổ chức đã tiến hành lựa chọn, sơ loại những hồ sơ không đạt yêu cầu, tiêu chí, tư vấn hồ sơ, điều chỉnh vào các nhóm/lĩnh vực phù hợp, tổng số đề cử tham gia vòng chấm thuyết trình thực tế là 271 đề cử từ 147 doanh nghiệp/đơn vị.
Qua 3 vòng sơ loại, thuyết trình và Hội nghị Chung tuyển, Hội đồng Chung tuyển toàn quốc do Tiến Sĩ Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ làm chủ tịch cùng hội đồng 37 chuyên gia đã lựa chọn để trao Giải thưởng Sao Khuê 2024 cho 169 đề cử từ 117 doanh nghiệp bao gồm: 03 Giải pháp xuất sắc chuyển đổi số chính phủ, chính quyền; 13 Đề cử xuất sắc giúp cải thiện, nâng cao văn hóa, chất lượng cuộc sống của cộng đồng; 30 đề cử thúc đẩy thị trường, tiêu dùng; 28 giải pháp chuyển đổi số Doanh nghiệp tổ chức; 17 đề cử hỗ trợ các ngành kinh tế, doanh nghiệp lớn; 22 nền tảng – hạ tầng công nghệ xuất sắc; 23 Dịch vụ số xuất sắc và 33 sản phẩm, dự án đổi mới sáng tạo tiêu biểu. Đặc biệt, Hội đồng đã lựa chọn 11 đề cử để trao Giải thưởng Sao Khuê 2024 - Xếp hạng 5 sao và 10 đề cử xuất sắc nhất để trao TOP 10 Giải thưởng Sao Khuê 2024.
Top 10 - Hạng mục danh giá nhất của Giải thưởng Sao Khuê luôn là một trong những khoảnh khắc được trông chờ nhất tại Lễ Trao giải. Năm nay, 10 sản phẩm, dịch vụ trải đều trong các lĩnh vực như Chính phủ, Chính quyền, Khu vực công; Quản trị doanh nghiệp; Sản xuất công nghiệp; Nông nghiệp và chế biến thực phẩm; Ô tô (Automobile); Ngân hàng số; Fintech; Bán lẻ và phân phối; Giải trí số.
Bên cạnh việc lựa chọn Giải thưởng TOP 10 Sao Khuê, các đề cử xuất sắc nhất tại mỗi nhóm lĩnh vực được thống nhất bình chọn 5 sao. Có 11 giải pháp, dịch vụ CNTT thuộc 6 nhóm lĩnh vực được trao Giải thưởng Sao Khuê 5 sao năm 2024.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA - cho biết: “Toàn thế giới đang chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Chính phủ Việt Nam đã xác định chuyển đổi số, tăng trưởng xanh là một trong hai yếu tố cốt lõi của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trong sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, Việt Nam là quốc gia được chọn cho chiến lược phát triển sắp tới với ưu thế lớn về nhân lực và địa chính trị. Những doanh nghiệp công nghệ số đang đứng trước những cơ hội rất lớn, và cũng đang cần những nỗ lực sáng tạo rất lớn, tinh thần, và quyết tâm lớn hơn nữa. Tôi kỳ vọng Sao Khuê những năm tới, sẽ được thấy những nền tảng, dịch vụ, giải pháp xuất sắc về Bán dẫn, Chuyển đổi số - xanh, tạo ra một kỳ tích phát triển mới của ngành, góp phần tạo ra kỳ tích tăng trưởng mới cho Việt Nam.”