Năm 2022, Huawei thông báo đã ký hơn 20 thỏa thuận cấp phép sử dụng sáng chế (cả ký mới lẫn gia hạn), hầu hết là với các hãng xe, dùng cho 4G và mạng không dây LTE. Trong số đối tác của tập đoàn có Mercedes Benz, Audi, BMW, cùng ít nhất một hãng xe Mỹ.
Theo Cơ quan cơ sở dữ liệu bằng sáng chế (IFI), Huawei năm ngoái nộp đến hơn 11.000 đơn xin cấp bằng sáng chế cho Mỹ. Thông thường mỗi năm chưa tới 50% số đơn được chấp thuận.
Nhưng số lượng khổng lồ giúp Huawei xếp vị trí thứ 4 về số bằng sáng chế được cấp tại Mỹ năm 2022, sau Samsung, IBM, TSMC.
Giám đốc điều hành IFI Mike Baycroft cho biết: “Mỹ vẫn là thị trường quan trọng mà ai cũng muốn góp mặt. Họ muốn đảm bảo rằng khi phát triển công nghệ nào đó họ sẽ có thể bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ ở thị trường Mỹ và châu Âu”.
IFI chỉ ra trong 2 năm qua số bằng sáng chế tại Mỹ của Huawei tăng nhiều nhất ở lĩnh vực liên quan đến nén hình ảnh, truyền thông tin kỹ thuật số, mạng truyền thông không dây.
Chính phủ Mỹ năm 2018 đưa Huawei vào “danh sách đen” thương mại. Tháng 10.2022, Washington nói rõ doanh nghiệp Mỹ không nên hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc ở mảng công nghệ bán dẫn tiên tiến.
Tiềm năng từ bằng sáng chế
Doanh thu năm 2021 của Huawei giảm kỷ lục, mảng kinh doanh hàng điện tử tiêu dùng trong đó có điện thoại thông minh báo cáo doanh thu giảm gần 50% xuống còn 243,4 tỉ nhân dân tệ (36,08 tỉ USD).
Cấp phép sử dụng sáng chế sẽ giúp Huawei kiếm được chút doanh thu. Chuyên gia Alex Liang (Công ty luật Anjie & Broad) nhận định việc buộc phải ngừng hoạt động ở vài lĩnh vực nhất định thúc đẩy tập đoàn nhận ra tiềm năng từ bằng sáng chế.
“Hoàn cảnh của Huawei giống Nokia lúc iPhone thế hệ đầu tiên ra mắt. Nokia nhanh chóng mất thị phần về tay Apple, nhiều bằng sáng chế của họ không còn được cấp phép đổi lấy một số bằng sáng chế khác để bảo vệ mảng kinh doanh điện thoại”, theo chuyên gia Liang.
Năm ngoái Nokia thu về 1,59 tỉ euro (1,73 tỉ USD) từ bằng sáng chế, chiếm khoảng 6% tổng doanh thu. Công ty cho biết trong năm 2022 đã ký hơn 50 thỏa thuận cấp phép sử dụng sáng chế ở các lĩnh vực điện thoại thông minh, ô tô, điện tử tiêu dùng, internet vạn vật.
“Dựa trên những gì tôi biết thì Huawei đang tích cực thúc đẩy kiếm tiền từ bằng sáng chế. Công ty nào hoạt động trong cùng lĩnh vực này (viễn thông, điện thoại, internet vạn vật, ô tô, dịch vụ đám mây) đều nên cẩn thận vì có một đối thủ lớn tham gia thị trường”, chuyên gia Liang lưu ý.
Huawei từng ước tính thu về 1,2 - 1,3 tỉ USD từ bằng sáng chế trong giai đoạn 2019-2021. Tập đoàn sau đó tuyên bố đạt mức doanh thu như kỳ vọng năm 2021, nhưng không đưa ra con số cụ thể.
Mảng bằng sáng chế tất nhiên chỉ là phần nhỏ trong tổng doanh thu của Huawei. Ngoài bằng sáng chế, tập đoàn còn tập trung phát triển hoạt động ở mảng dịch vụ điện toán đám mây và ô tô.
Theo Phó chủ tịch Công ty Tư vấn Albright Stonebridge Group, Paul Triolo: “Huawei lúng túng khi mảng kinh doanh điện thoại sụp đổ. Họ không có lựa chọn nào khác ngoài tìm cách tăng doanh thu từ bằng sáng chế”.