IBM cung cấp miễn phí các tài nguyên giáo dục trực tuyến về AI cho Việt Nam

IBM cung cấp miễn phí các tài nguyên giáo dục trực tuyến về AI cho Việt Nam
Tạp chí Nhịp sống số - Trong định hướng cung cấp miễn phí các tài nguyên giáo dục trực tuyến về AI trên toàn cầu, IBM Việt Nam đã phối hợp với một số trường đại học và tổ chức giáo dục tại Việt Nam để thực hiện một loạt dự án về đào tạo điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo... và các kỹ năng kỹ thuật số khác.

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ báo chí,  ông Tan Jee Toon - Tổng giám đốc, IBM Việt Nam - cho biết: "Một nghiên cứu mới đây của IBM và Morning Consult cho thấy, thế hệ trẻ nhận thức được tầm quan trọng của các kỹ năng như Trí tuệ nhân tạo (AI) và khoa học dữ liệu..., đồng thời cảm thấy thật lo ngại khi không được chuẩn bị kiến thức và kỹ năng để làm việc với những công nghệ này. Cụ thể, 68% học sinh dưới 18 tuổi tham gia khảo sát này tin rằng AI sẽ có tác động lớn đến cuộc sống và sự nghiệp của họ, nhưng hơn một phần ba (34%) thấy rằng chưa được trang bị thích hợp để sử dụng những kỹ năng đó"

Theo đó, cuộc khảo sát của IBM cũng đề nghị thanh thiếu niên từ 13 quốc gia trên thế giới xếp hạng kiến thức của họ về các công nghệ mới, cũng như mức độ sẵn sàng tìm hiểu thêm các công nghệ này và sự quan tâm của giới trẻ đối với các ngành nghề liên quan tới công nghệ. 

Kết quả, đa số (56%) cho biết mong muốn theo đuổi sự nghiệp liên quan tới công nghệ vì nó liên quan đến hầu hết các công việc trong tương lai; 60% quan tâm đến các lĩnh vực công nghệ như Đám mây và An ninh mạng, và  gần sáu trong mười (59%) học sinh tham gia khảo sát quan tâm đến AI. 

Để chuẩn bị cho thế hệ trẻ những kỹ năng và kiến thức cần thiết về AI và áp dụng AI một cách có trách nhiệm, IBM khẳng định sẽ cung cấp miễn phí các tài nguyên giáo dục trực tuyến cho giáo viên và sinh viên để tìm hiểu nền tảng của AI. Một loạt các dự án này do IBM Việt Nam phối hợp với một số trường đại học và tổ chức giáo dục trong nước đã và sẽ thực hiện trong thời gian tới.

Cụ thể, dự án đầu tiên đang được triển khai là chương trình đào tạo AI và Robot với sự hợp tác của tổ chức STEAM for Vietnam, Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST) và Viện Giáo dục trải nghiệm và Sức khoẻ cộng đồng Quốc tế (IES). Các hội thảo đào tạo tập huấn trực tuyến về các kỹ năng AI cơ bản đã được tổ chức trong tháng 11 vừa qua cho 126 giáo viên từ 63 tỉnh thành trên toàn quốc. Các hội thảo này đã trang bị cho giáo viên cách tiếp cận cơ bản, quy trình làm việc và ứng dụng của AI. Khóa đào tạo đã giới thiệu cho giáo viên các khái niệm về công nghệ nhận thức và AI để giúp học sinh xây dựng và lắp ráp lại một robot (TJBot) có thể đưa vào cuộc sống bằng cách sử dụng lập trình IBM Watson và Node-RED. Theo IBM Việt Nam, Chương trình dự kiến mang lại lợi ích cho ít nhất 1.200 học sinh trên toàn quốc trong năm đầu tiên thực hiện.

Robot "thô sơ" bằng bìa và các bảng mạch đơn giản với trình điều khiển mở, kết nối miễn phí với hệ thống AI, được IBM cung cấp để học sinh làm quen với lập trình, điều khiển và AI

Dự án thứ hai, phối hợp với Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông (SoICT) của HUST, IBM sẽ tiếp tục mở rộng sang Giai đoạn 2 của chương trình đào tạo New Collar. Bằng cách tận dụng nền tảng học tập của IBM, SoICT sẽ giới thiệu các môn học về công nghệ Đám mây trong các chương trình giảng dạy CNTT-TT hiện có. Chương trình sẽ được thực hiện thông qua một loạt các hội thảo hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên tại 10 trường đại học kỹ thuật trên khắp ba miền tại Việt Nam.

Trong Giai đoạn 2 này, dự án dự kiến đào tạo 100 giảng viên thuộc SoICT và các trường đại học kỹ thuật khác về nền tảng và nguồn lực đào tạo AI chính quy, từ đó sẽ trực tiếp giảng dạy cho sinh viên tại các trường đại học này. Sinh viên sau khi tham gia các khoá đào tạo sẽ nhận được chứng chỉ số từ IBM, để từ đó phát triển các kỹ năng sẵn sàng và liên quan tới công việc lựa chọn trong tương lai, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh khi tốt nghiệp và gia nhập lực lượng lao động. Các hội thảo hỗ trợ dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho 5.000 sinh viên trên toàn quốc với ít nhất 300 sinh viên đạt các chứng chỉ số của IBM  cho các kỹ năng phù hợp. Ngoài ra, SoICT sẽ hợp tác với IBM để phát triển một hệ sinh thái các đơn vị giáo dục trong nước nhằm chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng và thực tiễn, đồng thời thúc đẩy việc đưa các khoá học về những công nghệ mới nổi như Đám mây, AI và Khoa học dữ liệu vào giáo trình chính thức của các thành viên trong Câu lạc bộ các Khoa - Viện - Trường cao đẳng -  Đại học CNTT-TT (FISU) của Việt Nam.

Sắp tới, ngay trong tháng 12/2020 này, IBM sẽ mang chương trình giáo dục Open P-TECH đến với học sinh Việt Nam. IBM sẽ phối hợp với IES, SoICT và Sở giáo dục thành phố Hà Nội và tỉnh Thanh Hoá để xúc tiến chương trình này tại các trường học tại hai địa phương nói trên, dành cho  học sinh - sinh viên từ 14 đến 20 tuổi. Nền tảng giáo dục trực tuyến và hoàn toàn miễn phí này cung cấp kỹ năng kỹ thuật số cơ bản, được xây dựng dựa trên chương trình đào tạo P-TECH đã rất thành công của IBM trong nhiều năm qua. Các hội thảo về công nghệ Đám mây và AI sẽ được tổ chức cho giáo viên từ 25 trường học tại hai địa phương, cũng như cung cấp hỗ trợ kỹ thuật phù hợp cho giáo viên. SoICT và IES sẽ Việt hoá nội dung đào tạo để khuyến khích mọi đối tượng có thể tiếp cận. Trong sáu tháng tới (đến tháng 4 năm 2021), mục tiêu của dự án là thu hút 5.000 học sinh - sinh viên đăng ký các khoá học Open P-TECH.

Liên quan đến lượng lao động của Việt Nam trong tương lai, ông Tan Jee Toon nhận định, các sinh viên quan tâm nhiều đến các khóa học liên quan đến công nghệ đám mây, AI.., vì nhận thấy lợi ích của các lĩnh vực này trong cuộc sống và sự nghiệp của họ sau này. 

“Theo Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Nhân tài Toàn cầu năm 2020, có khoảng cách ngày càng lớn về kỹ năng số, đặc biệt là về AI giữa Việt Nam và các quốc gia có thu nhập cao. Chính vì lý do này mà IBM quyết định tiên phong trong việc mở ra con đường đào tạo, mà qua đó sinh viên có thể xây dựng các kỹ năng cho tương lai. Bằng cách giới thiệu các chương trình này, chúng tôi tin rằng học sinh - sinh viên Việt Nam sẽ có được nền tảng phù hợp và có thể ứng dụng những công nghệ mới nổi này một cách sáng tạo. Đây là một bước quan trọng trong việc chuẩn bị cho sinh viên kỷ nguyên số, tạo việc làm trong nền kinh tế kỹ thuật số, giúp các doanh nghiệp ở Việt Nam phát triển với chuyển đổi số và góp phần thực hiện tầm nhìn Công nghiệp 4.0 của Chính phủ Việt Nam", ông Tan Jee Toon nói. 

Có thể bạn quan tâm