Internet – Nền tảng hội nhập kinh tế số cho Việt Nam

Internet – Nền tảng hội nhập kinh tế số cho Việt Nam
Tạp chí Nhịp sống số - 20 năm qua, Internet đã góp phần làm thay đổi mọi mặt của cuộc sống, đóng góp không nhỏ vào những thành tích đạt được của nhiều lĩnh vực như kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục... Internet đã và đang như đóng vai trò không nhỏ cho tiến trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam.

Hôm nay (22/11/2017), Internet Day 2017 và Lễ kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện do Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) tổ chức.

Buổi lễ có sự tham dự của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn cùng nhiều đại biểu là nguyên lãnh đạo, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ thông tin - Truyền thông (CNTT-TT).

internet, Bộ TT&TT, Kinh tế kỹ thuật số, kinh tế số, nền kinh tế số, VIA, Internet Day 2017,

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại sự kiện

Nhìn lại chặng đường 20 năm, Việt Nam đã ghi dấu ấn trên bản đồ Internet toàn cầu, mở cửa đón Internet dẫu còn nhiều khó khăn và thách thức lúc bấy giờ. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhiều chính sách, đường lối lúc bấy giờ đã mở đường cho sự phát triển của Internet hiện nay. Mặt khác, còn là sự đóng góp của các doanh nghiệp Internet (công nghệ, nhà cung cấp dịch vụ...) cũng như sự cống hiến, không ngừng tìm tòi của các chuyên gia trong lĩnh vực Internet.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, ngày này 20 năm trước, đã diễn ra Lễ ấn nút mở cửa Internet, đưa Việt Nam chính thức kết nối với Internet - xa lộ thông tin, kho kiến thức khổng lồ của nhân loại. Sự kiện đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử của ngành TT&TT Việt Nam.

Bộ trưởng nhận định, tại Việt Nam, Internet đã len lỏi vào khắp các ngõ ngách của cuộc sống, dần làm thay đổi thói quen, cuộc sống của người dân. Theo số liệu thống kê từ đầu năm 2017, Việt Nam hiện có khoảng trên 50 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình 46,64% của thế giới, nằm trong Top những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng Internet cao nhất tại châu Á.

Theo Bộ trưởng, để có được sự phát triển mạnh mẽ của Internet tại Việt Nam như hiện nay, cần ghi nhận sự phát triển vượt bậc của hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin tại Việt Nam. Từ con số 0 của những năm đầu thập niên 90, Việt Nam đã trở thành một trong những nước triển khai mạng 2G từ rất sớm và tiếp tục phát triển lên 3G và 4G với hạ tầng viễn thông, Internet hiện đại phủ rộng trên khắp lãnh thổ từ thành thị đến nông thôn, miền núi, hải đảo.

Bộ trưởng đưa ra con số minh chứng: “Với hơn 31 triệu người dùng vào năm 2012; 17 triệu của 10 năm trước hay 205.000 người trong thời đầu của Internet quay số qua mạng điện thoại công cộng, có thể nói, Việt Nam đã có những bước tiến thật sự ấn tượng”. 

Cũng theo thông tin từ Bộ trưởng, tại buổi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam thuộc Tuần lễ cấp cao APEC 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự báo: đến năm 2020, Việt Nam sẽ là quốc gia trong nhóm đứng đầu khu vực về số người sử dụng điện thoại di động. Đây là tiền đề thuận lợi để chúng ta thúc đẩy, tăng cường việc phát triển hệ sinh thái Internet tại Việt Nam.

Hiện nay, Chính phủ, Bộ TT&TT đang nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của CNTT, công nghiệp nội dung số và ứng dụng giá trị gia tăng trên Internet, song hành cùng sự phát triển của các lĩnh vực như truyền thông, quảng cáo, trò chơi điện tử, thương mại điện tử, thanh toán điện tử. Cùng với thành tựu của các doanh nghiệp hạ tầng Internet như Viettel, VNPT, FPT, CMC, NetNam, Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp nội dung số lớn như VTC, VNG, VC Corp...

Theo đánh giá của Bộ trưởng, các doanh nghiệp kể trên không chỉ có được chỗ đứng vững vàng trong nước mà đã vươn ra thị trường khu vực và quốc tế. Nhiều sản phẩm ứng dụng trên Internet do doanh nghiệp, cá nhân trong nước phát triển đã tạo được tiếng vang ở tầm quốc tế

Cùng đó, tốc độ tăng trưởng các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nội dung và dịch vụ giá trị gia tăng trên nền Internet đang phát triển rất mạnh mẽ, nhiều công nghệ còn rất mới trên thế giới như thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, mã QR… cũng đã được các doanh nghiệp trong nước phát triển thành sản phẩm hoàn thiện, có khả năng thương mại hóa cao.

Với các cơ quan nhà nước, thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, hàng trăm dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai ở mức độ 3, mức độ 4, mang lại sự tiện ích và hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp. Nhiều Bộ ngành, địa phương còn mở các tài khoản chính thức trên mạng xã hội để có thể tương tác với người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả, nhận được sự hưởng ứng rộng rãi từ người sử dụng. Đó là những nền móng cho các ứng dụng Internet ở cấp độ cao hơn, phức tạp và quy mô lớn hơn như Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, giao thông thông minh, y tế và giáo dục thông minh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng chỉ rõ, bên cạnh những giá trị làm thay đổi sâu sắc, tích cực đời sống kinh tế - xã hội và cuộc sống của người dân Việt Nam, Internet cũng đang tồn tại nhiều bất cập. Cụ thể như vấn đề lượng thông tin xấu độc xuất hiện trên Internet và mạng xã hội ngày càng nhiều, nhất là tin giả, tin xuyên tạc, bịa đặt, thông tin chống phá chế độ, bôi nhọ lãnh đạo...

Ngoài ra, các vấn nạn như tấn công mạng, mất an toàn thông tin, thư rác, mã độc tống tiền đang nhằm vào các mục tiêu là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức tại Việt Nam hiện đang gia tăng cả về số lượng, quy mô và độ phức tạp. Trong thời gian vừa qua, Bộ TT&TT và các Bộ ngành liên quan đã và đang thường xuyên, liên tục triển khai nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nêu trên.

Theo Bộ trưởng, khi Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên của nền kinh tế số với cuộc cách mạng 4.0 đầy thách thức, thì tất cả các ngành nghề, lĩnh vực đều phải tiến tới kết nối số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi không ngừng theo sự phát triển của công nghệ, nếu không muốn bị tụt lại phía sau. Để làm được điều này, Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng CNTT, viễn thông - Internet, nội dung số và ứng dụng giá trị gia tăng trong nước một cách bền vững, thậm chí là đủ lớn mạnh để tiếp tục tiến bước ra thế giới.

Bộ  trưởng cũng khẳng định, với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực CNTT, Internet, Bộ TT&TT khẳng định sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp viễn thông - Internet, nội dung số và ứng dụng trên Internet của Việt Nam, với mục tiêu cao nhất là hướng tới một thị trường Internet, nội dung số bình đẳng và bền vững để trong những năm tới, chúng ta có thể tự hào ghi nhận nhiều hơn nữa các doanh nghiệp của Việt Nam tiến ra nước ngoài thành công, ghi sâu dấu ấn của Việt nam trên bản đồ công nghệ thế giới.

Trong khuôn khổ sự kiện Internet Day 2017 và lễ kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam, đã diễn ra tọa đàm chủ đề “Internet - nền tảng cho doanh nghiệp Việt hội nhập kinh tế số”, với sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, giới chuyên gia và các doanh nghiệp của ngành như VNG, VC Corp....

Ngoài ra còn có 2 Chuyên đề thảo luận chuyên sâu sẽ diễn ra vào buổi chiều.

Có thể bạn quan tâm

Theo Microsoft, có đến 88% lao động tri thức ở Việt Nam sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ở nơi làm việc. AI được cho là giúp người lao động tiết kiệm thời gian, tăng khả năng sáng tạo và tập trung vào các nhiệm vụ chính.