Động thái này diễn ra khi nhiều tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp tài chính chạy đua phát triển AI, công nghệ cuối cùng có thể được dùng cho nhiều dịch vụ từ phát hiện gian lận đến phê duyệt khoản vay. AI cũng giúp hoạt động nội bộ công ty hiệu quả hơn.
Giáo sư khoa học máy tính Jason Mars, ở Đại học Michigan kiêm CEO Clinc, công ty chuyên phát triển giải pháp AI cho các hãng tài chính như USAA, cho biết: “Đối với nhiều tổ chức, quản lý quy trình và AI là vấn đề nên được đầu tư mạnh ngay từ đầu”. Một trong những thách thức đầu tiên là tung ra chatbot và trợ lý giọng nói có thể hỗ trợ các công việc trong ngân hàng.
Năm 2016, Capital One tung “kỹ năng” dành cho Amazon Alexa, cho phép khách hàng quản lý thẻ tín dụng và tài khoản ngân hàng thông qua trợ lý giọng nói. Trong tháng 3, Bank of America bắt đầu triển khai Erica, trợ lý tài chính ảo trên ứng dụng của mình, cho phép khách hàng kiểm tra số dư và gửi tiền thông qua Zelle, một ứng dụng thanh toán di động.
Song tác động của AI lên các dịch vụ tài chính được dự báo sẽ vượt ngoài phạm vi của Siri hay các tài khoản ngân hàng thông thường. Nhiều hãng quản lý đầu tư có thể sử dụng nhà tư vấn robot để cung cấp lời khuyên cho khách hàng, trong khi ngân hàng có thể dùng tính năng nhận dạng giọng nói có kèm AI để xác minh một cách an toàn danh tính khách hàng, theo báo cáo Deloitte 2017.
JPMorgan trước đây từng đề cập đến việc ứng dụng tốt AI. Ngân sách công nghệ của nhà băng trong năm nay là 10,8 tỉ USD, với 5 tỉ USD được để dành cho các khoản đầu tư mới.
Đồng chủ tịch kiêm đồng CEO Daniel Pinto cho biết: “Chúng tôi luôn tìm cách mới để cung cấp cho khách hàng cách nhanh hơn, tốt hơn và đơn giản hơn để làm việc cùng chúng tôi. Các ngân hàng không đầu tư sẽ thất thế và sẽ phải khởi động quá trình dài, khó khăn để bắt kịp. 5-10 năm kể từ bây giờ, tốc độ đổi mới công nghệ sẽ chỉ nhanh hơn khi mà AI, robot, máy học sổ cái phân tán và dữ liệu lớn định hình tương lai chúng ta”.