K-Startup Grand Challenge 2018 – Cơ hội lớn cho Start-up Việt

K-Startup Grand Challenge 2018 – Cơ hội lớn cho Start-up Việt
Tạp chí Nhịp sống số - Ngày 24/5, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp với Trung tâm Hợp tác CNTT Hàn Quốc tại Hà Nội (KICC), thuộc Cơ quan Xúc tiến Công nghiệp CNTT Hàn Quốc (NIPA) tổ chức họp báo giới thiệu về “K-Startup Grand Challenge”, một chương trình đem đến cho các doanh nghiệp khởi nghiệp

K-Startup Grand Challenge 2018 – Cơ hội lớn cho Start-up Việt

K-Startup Grand Challenge 2018 đã chọn Việt Nam là một trong những địa điểm chính tổ chức cuộc thi vòng loại khu vực năm nay. Theo đó, vòng loại sẽ được tổ chức ngày 9-10/7/2018 tại Hà Nội và ngày 11-12/7/2018 tại TP. Hồ Chí Minh để lựa chọn các Start-up Việt tiềm năng đưa sang Hàn Quốc tham gia vòng chung kết. Sẽ có 80 start-up trên toàn cầu được nhận kinh phí 11.130 USD/ nhóm để chi trả các kinh phí sinh hoạt trong thời gian 3,5 tháng đào tạo, hỗ trợ kết nối đầu tư, hợp tác tại Hàn Quốc. Top 40 Start-up sẽ được lựa chọn và hỗ trợ kinh phí thành lập doanh nghiệp và hoạt động trong thời gian 6 tháng đầu tiên tại Hàn Quốc với tổng mức hỗ trợ lên đến 22.727 USD. Các Startup trong tất cả các lĩnh vực đều có cơ hội tham gia chương trình này.

Ngoài Việt Nam, VINASA sẽ cùng KICC và NIPA sẽ triển khai hoạt động quảng bá và thi vòng loại tại 6 quốc gia và vùng lãnh thổ khác, bao gồm: Lào, Campuchia, Myanmar, Philippine, Hong Kong, Đài Loan. Các Start-up qua vòng xét duyệt hồ sơ sẽ tham gia thi theo 2 khu vực. Khu vực 1: tại Việt Nam (Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, dành cho các Start-up tại Việt Nam); Khu vực 2: tại 1 trong các quốc gia/nền kinh tế còn lại.

K-Startup Grand Challenge luôn khuyến khích những ý tưởng và mô hình kinh doanh mới vì vậy tiêu chí xét duyệt dựa trên mức độ sáng tạo của ý tưởng/ mô hình kinh doanh, công nghệ đột phá cùng tiềm năng phát triển... Qua hai mùa trước, với các vòng thi đầy thử thách và công bằng, khách quan, cùng sự tư vấn của đội ngũ chuyên gia, chương trình được đánh giá là một “bệ phóng” hiệu quả giúp các start-up phát huy ý tưởng để khởi nghiệp thành công.

Một số con số ấn tượng từ kết quả của chương trình “K Startup Grand Challenge” trong 2 năm qua: 41 Start-up đã thành lập tại Hàn Quốc, gọi được nguồn vốn đầu tư lên đến 26 triệu USD từ 24 nhà đầu tư, ký kết được 46 hợp đồng và trên 300 biên bản ghi nhớ hợp tác. Đặc biệt, trên 80 nhóm, Star-tup đã có cơ hội hợp tác, làm việc với các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG...

Phân tích cụ thể hơn về cơ hội mà K-Startup Grand Challenge mang lại cho các Startup, ông Mai Duy Quang – Phó Chủ tịch phụ trách mảng khởi nghiệp của VINASA cho biết: “Tham gia chương trình, các Startup không chỉ có cơ hội được tham gia các khoá đào tạo chuyên nghiệp, được các chuyên gia có kinh nghiệm tư vấn, hỗ trợ, được tiếp cận các nguồn vốn đầu tư, mà còn có dịp được giới thiệu, kết nối hợp tác với các đối tác tại Hàn Quốc tạo đà giúp các Startup tăng tốc phát triển và mở rộng thị trường tại khu vực Châu Á. Tôi hy vọng các Start-up Việt Nam sẽ giành được nhiều vị trí cao trong cuộc thi này”.  

Chia sẻ tại buổi họp báo, đại diện Hàn Quốc cho biết: Việt Nam là quốc gia được đánh giá cao về phong trào khởi nghiệp, với cộng đồng đông đảo các start-up trẻ, năng động, giàu ý tưởng sáng tạo, đó là lý do NIPA lựa chọn Việt Nam làm quốc gia tổ chức vòng loại K-Startup Grand Challenge 2018 trong khu vực.

Theo cập nhật từ Ban tổ chức, đến hết ngày 23/5/2018, đã có 37 hồ sơ đăng ký tham gia chương trình tại khu vực Châu Á, trong đó có 16 hồ sơ từ Việt Nam, phần còn lại từ các nước Đông Nam Á và Ấn Độ.

K-Startup Grand Challenge là chương trình do Chính phủ Hàn Quốc tổ chức với mục đích xây dựng một hệ sinh thái mở, giúp các Start-up mở rộng thị trường tại các nước châu Á thông qua việc sử dụng thị trường Hàn Quốc làm bước đệm. Năm nay là năm thứ 3 chương trình được tổ chức trên phạm vi toàn cầu.
Đăng ký tham gia trực tiếp chương trình tại đây.

Có thể bạn quan tâm

Theo Microsoft, có đến 88% lao động tri thức ở Việt Nam sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ở nơi làm việc. AI được cho là giúp người lao động tiết kiệm thời gian, tăng khả năng sáng tạo và tập trung vào các nhiệm vụ chính.