Theo đó, từ 1/6/2017, 17.000 cơ sở tiêm chủng tại 63 tỉnh, thành phố sẽ sử dụng Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia (do Viettel xây dựng) để quản lý hoạt động tiêm chủng của người dân. Hệ thống này sẽ giúp Ngành Y tế quản lý tiêm chủng trọn đời cho mọi người dân từ khi sinh ra theo mã số cá nhân (ID) để thực hiện đầy đủ và đúng lịch.
Qua đó, người dân có thể theo dõi lịch tiêm chủng, tiền sử tiêm chủng của mình và các thành viên trong gia đình thông qua ứng dụng sổ tiêm chủng điện tử. Cùng đó, người dân cũng có thể chủ động đăng ký lịch tiêm trực tuyến cũng như tìm kiếm cơ sở tiêm gần nhất. Các kiến thức về an toàn tiêm chủng cũng được Ngành Y tế cập nhật đầy đủ và thường xuyên trên hệ thống.
Hệ thống cũng loại bỏ hoàn toàn việc quản lý trên giấy, từ đó tiết kiệm thời gian và giúp tiết kiệm hơn 100 tỷ mỗi năm cho xã hội.
Đại diện Viettel cho biết, đơn vị này đang tiếp tục phối hợp cùng Bộ Y tế triển khai các cấu phần còn lại của hoạt động y tế dự phòng, hoàn thiện các danh mục sản phẩm cho ngành y tế, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong hệ sinh thái tổng thể các ứng dụng quản lý cho cơ quan y tế các cấp: từ quản lý khám chữa bệnh, giám định BHYT, quản lý tiêm chủng, quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm,…cho tới các giải pháp hành chính công, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
Thời gian tới Viettel sẽ tiếp tục nâng cấp, cải thiện và mở rộng về tính năng cũng như quy mô triển khai, hướng tới phục vụ người dân tốt hơn, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu về y tế - dân số từ nay đến năm 2020.
Trước đó, hệ thống này đã được thí điểm thực hiện tại 5 tỉnh thành (Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Tp Hồ Chí Minh).Theo Ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, việc áp dụng hệ thống giúp Hà Nội tiết kiệm được hơn 13.000 ngày công và hơn 2 tỷ đồng/năm.