Khai trương Trục liên thông Văn bản Quốc gia

Khai trương Trục liên thông Văn bản Quốc gia
Tạp chí Nhịp sống số - Hôm nay (12/3), Trục liên thông văn bản quốc gia chính thức được khai trương. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu tại sự kiện này.

Lễ khai trương Trục liên thông văn bản điện tử quốc gia được Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức tại Trung tâm hội nghị quốc tế (Hà Nội), có kết nối truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến tham dự và bấm nút khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia. Tham dự buổi lễ khai trương còn có ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP; ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ TT&TT; đại diện một số bộ, ngành và các tỉnh thành; đại diện tập đoàn VNPT, Viettel cùng các vị khách quốc tế.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, Trục liên thông văn bản quốc gia là tiền đề của nền tảng tích hợp dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số. Đây được coi là một bước đột phá mạnh mẽ vào "tư duy giấy tờ", quan liêu kiểu cũ... để tạo lập nền tảng cho những bước phát triển mới của Chính phủ điện tử.

Theo đó, việc khai trương Trục liên thông Văn bản quốc gia là mộtbước đi chuẩn bị cho việc triển khai ở giai đoạn tiếp theo nền tảng tích hợp, chia sẻ quốc gia kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

VNPT, Viettel, chính phủ điện tử, cải cách hành chính, chính quyền số, Trục liên thông Văn bản Quốc gia,

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhận định: “Việc Trục liên thông văn bản quốc gia được xây dựng, hoàn thiện và chính thức đưa vào sử dụng là điều kiện kỹ thuật quan trọng để liên thông, kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành của các bộ, ngành, địa phương. Có thể nói, chúng ta đã đi được những bước đầu tiên, quan trọng, thành công tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử”.

Từ ngày 19/1/2019 đến 8/3/2019 đã có 12.257 văn bản gửi, 35.360 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia, trong đó Thanh tra Chính phủ chưa phát sinh gửi văn bản điện tử. Hiện 63/95 cơ quan đã chuẩn bị được máy chủ bảo mật dùng riêng, tích hợp chứng thư số chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp (bảo đảm văn bản điện tử gửi, nhận thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia được thông suốt, an toàn, an ninh), 32/95 cơ quan đang sử dụng máy chủ bảo mật chung do VPCP cung cấp.

Thông tin về kết quả chuyển đổi sử dụng Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử, VPCP cho hay, ngày 19/1/2019, VPCP đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương cùng với tập đoàn VNPT – đơn vị triển khai, để tiến hành chuyển đổi hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ mới, thử nghiệm gửi, nhận văn bản điện tử với 95 bộ, ngành, địa phương; thực hiện theo dõi, đánh giá tình hình gửi, nhận văn bản của các bộ, ngành, địa phương sau chuyển đổi. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống đang hoạt động ổn định.

Cụ thể, số lượng đơn vị kết nối hệ thống Quản lý văn bản và điều hành (QLVB&ĐH) thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia là 95/95 cơ quan (31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng) đã hoàn thành kết nối thông qua mạng Truyền số liệu chuyên dùng của các cớ quan Đảng, Nhà nước.

Tính đến ngày 8/3/2019, 100% cơ quan đã hoàn thành cập nhật mã định danh cơ quan theo Thông tư 10/2016/TT-BTTTT ngày 1/4/2016 của Bộ TT&TT về việc ban hanh Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc mã định danh và định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối các phần mềm QLVB&ĐH.

Thống kê của VPCP cũng cho thấy, 32/95 cơ quan đã hoàn thành việc nâng cấp phần mềm QLVB&ĐH, đang chạy chính thức; 8/95 cơ quan đã hoàn thiện việc nâng cấp, đang trong giai đoạn kiểm thử; 19/95 cơ quan đang thực hiện nâng cấp phần mềm; các cơ quan còn lại có kế hoạch cụ thể nâng cấp phần mềm.

Đặc biệt, về bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia, VPCP khẳng định vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh thông tin văn bản gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia được VPCP đặc biệt quan tâm. Do vậy, VPCP đã phối hợp với các Bộ, Công an, TT&TT tiến hành kiểm tra, đánh giá an toàn an ninh đối với hệ thống thiết bị, hệ thống ứng dụng Trục liên thông văn bản quốc gia. VPCP sẽ tiếp tục cùng Bộ TT&TT, Bộ Công an liên tục rà soát, đánh giá an toàn bảo mật đối với Trục liên thông văn bản quốc gia, đảm bảo an ninh, an toàn tối đa cho hệ thống.

Được biết, Trục Liên thông văn bản quốc gia do Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông (VPNT) đầu tư xây dựng với công nghệ tiên tiến; Văn phòng Chính phủ thuê lại. Đại diện VNPT cho biết, ngay từ giai đoạn đầu thực hiện, VNPT đã thiết lập và duy trì nhiều cấp hỗ trợ tại từng Bộ/ngành/địa phương để đảm bảo giải quyết các vướng mắc một cách nhanh chóng và hiệu quả. Các trung tâm dữ liệu của VNPT hiện đều đang đạt chuẩn bảo mật quốc tế Tier 3. Nền tảng công nghệ X-ROAD sử dụng các máy chủ bảo mật với Chứng thư số do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp phát để thiết lập kênh trao đổi bảo mật giữa các điểm kết nối của các Bộ/ngành/địa phương. Trong quá trình phát triển phần mềm, VNPT áp dụng mô hình và tiêu chuẩn quốc tế CMMI và ISO 27001. Cả hai mô hình và tiêu chuẩn này đều đưa ra các yêu cầu về bảo mật rất cao trong thiết kế, xây dựng, phát triển phần mềm và quản lý rủi ro chủ động cho sản phẩm dịch vụ.

Từ ngày 19/01/2019, hệ thống đã được đưa vào thử nghiệm cho 95 đơn vị. Sau hơn 1 tháng hoạt động, với hơn 10000 văn bản được liên thông giữa Văn phòng Chính phủ với các bộ/ngành/địa phương và giữa các bộ/ngành/địa phương. Sau khi đã được Bộ Công an và Cục An toàn thông tin đánh giá về việc đảm bảo an ninh và an toàn thông tin, tới nay hệ thống đã đảm bảo sẵn sàng để đi vào hoạt động chính thức.

Cũng trong Trục liên thông này, Hệ thống Quản lý Văn bản và Hồ sơ công việc (QLVB&HSCV) do Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) triển khai. Đây là hệ thống phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ và công việc, thực hiện việc xử lý văn bản điện tử toàn trình từ trình ký, phê duyệt và ban hành văn bản điện tử.

Sau khi nhận nhiệm vụ triển khai xây dựng hệ thống QLVB&HSCV từ Chính phủ, Viettel đã xây dựng thành công hệ thống đầy đủ các tính năng phù hợp với tính chất công việc của Chính phủ và các đơn vị. Hiện tại, đã có 100% đơn vị (95/95), gồm Văn phòng Trung ương Đảng; 31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành kết nối hệ thống QLVB&HSCV.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp ký ban hành văn bản điện tử đầu tiên bằng giải pháp của Viettel vào ngày 12/03/2019. Việc ứng dụng “văn phòng điện tử không giấy” tại VPCP cũng giúp tiết kiệm chi phí hành chính bao gồm chi phí sao chụp văn bản, chi phí gửi văn bản qua dịch vụ bưu chính,… lên tới 1.100 tỷ đồng mỗi năm. Gần xấp xỉ ngân sách nhà nước cho chi viện trợ.

Có thể bạn quan tâm