Theo Madison, công ty sản xuất chíp này được cho là đã nhiều lần yêu cầu lệnh cấm từ Tòa sở hữu trí tuệ Bắc Kinh với cáo buộc rằng Apple "sử dụng các công nghệ do Qualcomm phát minh mà không trả tiền".
Nếu Qualcomm thành công, nó có thể gây ra thiệt hại lớn cho việc kinh doanh của Apple, vì doanh thu của iPhone chính là nguồn sống chính của công ty này và doanh số bán hàng ở Trung Quốc chiếm gần một phần năm tổng doanh số trong quý vừa rồi. Nhưng liệu Qualcomm có thể thực sự chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý đang leo thang với Apple?
Những ký ức không êm đẹp
Qualcomm và Apple đã có mối quan hệ đối tác từ lâu. Qualcomm là nhà cung cấp độc quyền các modem Baseband cho iPhone từ 2011 đến 2016 và bằng sáng chế không dây của họ cho phép họ nhận được một phần trên giá bán của mỗi chiếc iPhone được bán ra.
Nhưng mối quan hệ này đã tan vỡ ngay sau khi thương vụ độc quyền kết thúc. Apple chia tách nhu cầu về modem Baseband sang cho Qualcomm và đối thủ Intel, sau đó lại hỗ trợ cho South Korean FTC trong một cuộc điều tra về chống độc quyền đối với chi phí bằng sáng chế của Qualcomm. Đáp lại, Qualcomm đã ngừng chi trả cho Apple phần "hoàn trả" còn lại từ mối quan hệ độc quyền của họ.
Apple kiện Qualcomm tại Mỹ để đòi 1 tỷ USD vì phần hoàn trả còn thiếu này và cáo buộc rằng chi phí bằng sáng chế của Qualcomm - vốn được tính dựa trên giá bán ra của cả sản phẩm thay vì giá trị của bộ phận không dây - là không công bằng. Apple cũng theo đuổi một vụ kiện trị giá 1 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 150 triệu USD) tại Trung Quốc với lý do tương tự.
Apple sau đó đã ngừng tất cả các khoản thanh toán bản quyền cho Qualcomm, đồng thời yêu cầu 4 nhà cung cấp của họ làm tương tự. Tuyên bố đột ngột này khiến Qualcomm phải cắt giảm doanh thu trong quý III nhưng không ngồi chờ chết, Qualcomm đã trả đũa bằng cách kiện các nhà cung cấp của Apple. Thế nên, việc tấn công Apple ở Trung Quốc có vẻ như là một bước đi hợp lý.
Liệu Qualcomm có cơ hội nào không?
Qualcomm khiếu kiện Apple dựa trên ba bằng sáng chế thiết yếu, nhưng không tiêu chuẩn, hiện đang được sử dụng trong việc tiết kiệm điện năng và Force Touch - tính năng có trên các iPhone hiện hành nhưng lại không hề nhắc gì tới ý định kiện Apple dựa trên bằng sáng chế không dây. Apple nói với Trang tài chính Caixin của Trung Quốc rằng "các bằng sáng chế chưa được thảo luận và sự thật là chúng mới chỉ được cấp bằng trong vài tháng gần đây".
Apple tuyên bố nỗ lực "vô vọng" của Qualcomm nhằm cấm các sản phẩm iPhone và việc bán hàng ở Trung Quốc "sẽ thất bại". Họ cũng khẳng định rằng Qualcomm đã tính phí hai lần bằng cách thu 18 USD cho mỗi modem Baseband và sau đó là thêm 5% từ giá bán của chiếc iPhone.
Các chuyên gia pháp lý được Reuters khảo sát gần đây đồng ý với Apple vì ba lý do đơn giản. Thứ nhất, Apple có thể sẽ kiện ngược lại Qualcomm tại Trung Quốc, sử dụng cùng vị thế chống độc quyền từng khiến các nhà chức trách Trung Quốc xử phạt hãng sản xuất chíp 975 triệu USD hồi đầu năm 2015. Thứ hai, hàng trăm ngàn việc làm làm ở Trung Quốc phụ thuộc vào sản xuất và bán iPhone, nên không có gì đảm bảo rằng các nhà chức trách sẽ thông qua yêu cầu của Qualcomm.
Cuối cùng, thậm chí nếu lệnh cấm thành công, Apple cũng có thể trì hoãn nó bằng nhiều kháng cáo và kiện ngược lại, khiến cho lệnh cấm không thể thực thi hiệu quả cho đến những năm sau. Điều này cho phép Apple có dư thời gian để giảm thiểu sự phụ thuộc vào những con chíp của Qualcomm, đồng thời đa dạng hóa việc kinh doanh ngoài iPhone.
Qualcomm vẫn còn bất lợi
Một vấn đề lớn của Qualcomm là rất nhiều nhà quản lý và nhà sản xuất OEM đã đồng tình rằng việc cấp phép của Qualcomm là chống lại cạnh tranh. Qualcomm đã bị phạt tiền tại ba thị trường lớn là Trung Quốc, Hàn Quốc, và Đài Loan cũng vì chính lí do đó và đang phải đối mặt với những án phạt tương tự tại Mỹ và Liên minh Châu Âu. Những tiền lệ này cho thấy rằng yêu cầu của Qualcomm có thể sẽ sớm bị từ chối, khi Apple thuyết phục được nhiều nhà sản xuất thiết bị gốc khác phản kháng.
Những thách thức này có thể sẽ khiến Qualcomm phải thay đổi đáng kể hình thức cấp phép bằng sáng chế và có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của hãng. Hi vọng lớn nhất để Qualcomm có thể thoát khỏi mớ bòng bong này là hoàn tất việc mua lại NXP Semiconductors, nhưng thương vụ này vẫn còn trong tình trạng bỏ dở vì những xung đột chưa được giải quyết trên toàn thế giới của Qualcomm.
Nhưng điều này không có nghĩa là Apple đang ở thế thắng. Tất cả các vụ kiện mà hai công ty kiện nhau vẫn chưa được giải quyết và hẳn là sẽ không thể giải quyết xong trong vòng vài năm tới. Nếu Qualcomm bắt đầu giành thắng lợi trong những cuộc chiến pháp lý này, Apple sẽ phải nhận đòn đau từ những khoản phải trả khổng lồ cho phí cấp phép. Nhưng Qualcomm vẫn phải đối mặt với những rủi ro ngắn hạn lớn hơn, khi mà Apple từ chối trả tiền phí cấp phép, truyền cảm hứng cho các nhà sản xuất linh kiện gốc khác đi theo và thúc đẩy những vụ kiện mới.