"Đây là một quy trình tuần hoàn. Tin tức giả sống nhờ các mạng xã hội và tới từ cả hai chiều. Trong khi một số người Pakistan đăng tải một số đoạn video cũ, gọi đó là tình hình hiện tại ở Kashmir, những người ở Ấn Độ cũng sử dụng những đoạn video cũ, gọi đó là khoảnh khắc ăn mừng của người dân. Chúng tôi đã phải sàng lọc rất nhiều thông tin kể từ ngày Ấn Độ đưa ra quyết định hủy bỏ điều 370", Pratik Sinha, người sáng lập nên trang web kiểm chứng thông tin Alt News.
Jency Jacob, Trưởng Ban biên tập của BOOM, một trang web kiểm chứng thông tin hợp tác với Facebook nói rằng những người dùng đang chia sẻ tin tức giả một cách "mù quáng" và hoàn toàn "dựa vào cảm xúc".
Facebook nói rằng họ đang đặt vụ việc ở Kashmir là ưu tiên hàng đầu và nhanh chóng gỡ bỏ những thông tin vi phạm tiêu chuẩn. "Chúng tôi đang hợp tác với 8 đối tác kiểm chứng thông tin, những người thực hiện việc đó trên 10 ngôn ngữ tại Ấn Độ để kiểm tra và gỡ bỏ những thông tin sai sự thật có khả năng làm kích động tình hình ngoài đời thực", người phát ngôn của Facebook cho hay.
"Chính phủ mong muốn rằng với việc khóa chặt hệ thống thông tin, họ có thể làm giảm thiểu các tin đồn, tuy nhiên điều đó là bất khả thi. Tin đồn đã có từ thời chưa có mạng xã hội. Những công cụ giúp người dân phát hiện thật giả chưa hề tồn tại. Tôi không rõ việc gián đoạn thông tin ở Kashmir sẽ giúp gì được, khi một thế giới kết nối sẽ tốt hơn một thế giới biệt lập", Sinha giải thích.
"Tôi đã báo cáo nhiều bài viết sai phạm trong khả năng của mình, nhưng chưa thể nghe được tin tức gì chính thức từ Twitter. Thông tin sai lệch đang tăng nhanh kể từ thứ Sáu tuần trước", một người kiểm chứng thông tin giấu tên cho hay.
Twitter nói rằng họ đang có những hành động với những tài khoản vi phạm quy chế.
"Twitter không cho phép ai thao túng thông tin trên nền tảng của mình và đang tăng cường các chính sách một cách công tâm, không quan trọng suy nghĩ chính trị hay tôn giáo của họ", người phát ngôn của Twitter cho hay.
Jacob nói rằng công ty của anh đã đăng 12 bài phủ nhận các thông tin giả kể từ tuần trước.
"Những câu chuyện liên quan tới việc người Hồi giáo bị quân đội tấn công hay quân đội đốt nhà người dân là 1 trong những tin tức giả được lan truyền nhiều. Rất nhiều các đoạn video cũ được mang ra nhằm kích động tình hình. Chúng tôi đã chứng kiến con số tăng đột biến trong tuần qua", Jacob nói.