"Vào ngày 2/4, tài khoản Google+ của bạn và mọi trang Google+ bạn tạo sẽ bị tắt và chúng tôi sẽ bắt đầu xóa nội dung khỏi tài khoản Google+ của người dùng", Google cho biết trong một thông báo vào cuối tháng 1.
Theo Google, sẽ mất vài tháng để xóa tất cả nội dung Google+, có nghĩa là người dùng vẫn có thể truy cập nội dung mình từng tạo ra trong thời gian này. Tuy nhiên trang nhập Google+ đã ngừng hoạt động, khi sử dụng các dịch vụ liên quan, người dùng chỉ có thể đăng nhập vào Google+ bằng tài khoản Google chính.
Quyết định “tiêu diệt” Google+ được đưa ra sau khi nhà cung cấp phát hiện ra rằng một lỗi trong Google+ đã tiết lộ dữ liệu cá nhân của gần nửa triệu người dùng. Google giữ im lặng về vấn đề này trong nhiều tháng và chỉ thừa nhận sau một báo cáo của Wall Street Journal và giới IT.
Google+ xuất hiện vào năm 2011 với tham vọng sẽ cạnh tranh với gã khổng lồ Facebook, thế nhưng nó đã thất bại. Nguyên nhân của sự thất bại này lại đến khi Google cố gắng tăng cường sự tham gia của người dùng bằng cách "tích hợp" Google+ với các dịch vụ như Gmail, Google Play.
Sau đó, vào năm 2013, Google+ lại lôi kéo cả YouTube vào cuộc. Sự sáp nhập đồng nghĩa với việc ép buộc sử dụng những dịch vụ khác. Ví dụ muốn bình luận dưới một video trên YouTube đều phải có tài khoản Google+. Điều đó khiến cho người dùng quay lưng.
Ngày 2/4, giữa lúc nhiều cư dân mạng trên thế giới tỏ ra hụt hẫng khi chia tay Google+ thì tồn tại cũng như biến mất nó có vẻ như không có gì quan trọng đối với người dùng Việt Nam, bởi đa số người Việt Nam hiện tại đang dùng phương tiện truyền thông xã hội, bao gồm Facebook, Instagram, Twitter,… cho nên cái chết của nó diễn ra trong im lặng, ít nhất là tại Việt Nam.
Google+ hiện đã được tưởng niệm trên Nghĩa trang Google, nơi lưu giữ hồ sơ về các dự án thất bại của Google.