Theo Công ty nghiên cứu thị trường ANTS, năm 2018, mức độ chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam khoảng đạt 550 triệu USD. Trong đó, các doanh nghiệp ngoại như Facebook, Google… chiếm 387,1 triệu USD (Facebook khoảng 235 triệu USD, Google khoảng 152,1 triệu USD) chiếm gần 70% thị phần. Những doanh nghiệp quảng cáo trong nước như VCCorp, Zing, 24H, VnExpress… chỉ chiếm khoảng 150 triệu USD, tương đương 33,3%.
ANTS dự đoán, năm 2019 và 2020, doanh thu quảng cáo của Facebook và Google tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh. Cụ thể, ANTS dự đoán năm 2019, doanh thu quảng cáo trực tuyến Việt Nam ước khoảng 648 triệu USD, trong đó Facebook chiếm 275 triệu USD, Google 174,9 triệu USD, các đơn vị trong nước chiếm chỉ 180,9 triệu USD.
Doanh thu quảng cáo trực tuyến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh lên 760 triệu USD vào năm 2020 nhưng riêng Facebook và Google vẫn sẽ giữ vai trò “bá chủ” với hơn 512 triệu USD.
Cân nhắc khi “đổ tiền” quảng cáo trên nền tảng ngoại
Khi mức độ tương tác thông qua các mạng xã hội ngày càng đa dạng, việc ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt chi tiền để quảng cáo trực tuyến là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, giới chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp cần tìm hiểu thấu đáo khi chọn quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội của doanh nghiệp ngoại như Google, Facebook trước những vướng mắc về thuế và hậu quả về tài chính phát sinh.
Ông Nguyễn Tuấn Tài, chủ một doanh nghiệp chuyên in 3D cho biết, hàng tháng doanh nghiệp của ông vẫn mất một khoản tiền để “chạy” quảng cáo trên Facebook và YouTube của Google, tuy nhiên, số tiền chi ra này không thể đưa vào chi phí hợp lệ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này buộc doanh nghiệp phải làm nhiều cách để “hợp thức hóa” số tiền chi phí quảng cáo dù không muốn.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trường hợp doanh nghiệp tại Việt Nam thuê doanh nghiệp Việt để thực hiện quảng cáo trên Facebook, Google, sẽ không có vấn đề gì vì toàn bộ khoản tiền chi cho quảng cáo, nếu có hợp đồng và hoá đơn, chứng từ hợp pháp đều được khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào và xác định chi phí hợp lệ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo quy định.
Tuy nhiên, rắc rối phát sinh, khi doanh nghiệp trực tiếp giao dịch quảng cáo với các tổ chức nước ngoài như Facebook, Google… do đây là đối tượng phải khai, nộp thuế nhà thầu, nhưng lại không đặt cơ sở thường trú tại Việt Nam, buộc các doanh nghiệp Việt phải có trách nhiệm khai và nộp thuế nhà thầu thay cho họ. Lúc này rủi ro lớn sẽ tiềm ẩn vì các doanh nghiệp Việt Nam phải bỏ tiền túi ra để nộp thay thuế cho Facebook, Google, nhưng việc họ có chấp nhận trả lại cho doanh nghiệp hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào sự hợp tác.
Giành lại thị phần quảng cáo trực tuyến
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh Việt Nam cần có các mạng xã hội và công cụ tìm kiếm riêng, khác biệt với Google, Facebook. Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng kêu gọi các doanh nghiệp xây dựng mạng xã hội riêng cho Việt Nam và cho biết trong năm nay sẽ có 5 mạng xã hội Việt Nam ra đời. Trong đó, mạng xã hội Lotus do Tập đoàn VCCorp phát triển được giới chuyên gia đặt nhiều kỳ vọng.
Theo ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VCCorp, mạng xã hội Lotus dựa trên chính nền tảng, thế mạnh, nguồn lực và kinh nghiệm của VCCorp về nội dung và công nghệ nội dung để tạo ra sự khác biệt. Nguồn nội dung này không ngừng sinh sôi nảy nở theo hoạt động của Lotus, đến từ nguồn lực của VCCorp, hàng chục cơ quan báo chí chính thống có liên kết (trước mắt có 30 nguồn chính luận) và từ người dùng Lotus.
Ngoài ra, công nghệ quảng cáo Admicro của VCCorp đã có 10 năm kinh nghiệm về phân phối quảng cáo, đạt tới trình độ trong 10 mili giây chọn chính xác 1 trong 10.000 quảng cáo để đưa tới 1 trong 10.000.000 người dùng phù hợp.
Với nhiều ưu thế về nội dung số, nền tảng công nghệ, hệ thống quảng cáo chuyên nghiệp để hoạt động bài bản mang về doanh thu có thể cho các nhà sáng tạo, mạng xã hội Lotus được kỳ vọng sẽ đơn vị tiên phong trong công cuộc giành lại thị phần quảng cáo trực tuyến hiện nay tại Việt Nam.