Thông báo của Weibo đã được xem hàng triệu lần và chia sẻ hàng trăm ngàn lần. Từ khóa #ImGay (Tôi là người đồng tính) và #Imbreakingthelaw (Tôi đang phá vỡ luật lệ) đã xuất hiện ngay sau đó với mức độ dày đặc khiến cho mạng xã hội này phải xóa bỏ gần 150.000 bình luận có liên quan. Chưa hết, cư dân mạng còn kêu gọi Sina - đơn vị chủ quản của Weibo - nhanh chóng đưa ra biện pháp xử lí phù hợp.
Kết quả, trong một thông báo khác vào chủ nhật, Weibo cho biết việc dọn dẹp lần này "không còn tập trung vào các nội dung đồng tính nữa" và "cám ơn sự gợi ý và bàn luận của tất cả mọi người". Trước đó, Weibo đã khẳng định chiến dịch của mình là phù hợp với luật an ninh mạng của chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, Cơ quan giám sát không gian mạng Trung Quốc (Cyberspace Administration of China) vẫn chưa đưa ra bình luận nào.
Tờ Nhân dân Nhật báo ấn bản ngày chủ nhật đã đăng bài phản đối cách làm của Weibo và kêu gọi mạng xã hội này nên tôn trọng xu hướng tính dục của người khác. Chưa hết, người viết còn cho rằng việc so sánh đồng tính với bạo lực, khiêu dâm hay miêu tả nó là "bất bình thường" sẽ gây ra hiệu ứng xấu đối với công chúng.
Đồng tính luyến ái đã được hợp pháp hóa tại Trung Quốc kể từ năm 1997 thế nhưng cộng đồng LGBT vẫn bị phân biệt đối xử khá gay gắt trong xã hội. Hầu hết người đồng tính nam đều lựa chọn phương án lấy vợ để che giấu xu hướng tính dục của mình thay vì sống thật. Hệ quả, ước tính có đến gần 16 triệu người phụ nữ tại Trung Quốc hiện có chồng đồng tính.
Hua Zile, người sáng lập của tổ chức Voice for China LGBT, cho biết ông đã được khích lệ rất nhiều bởi phản ứng gay gắt của cư dân mạng trước chính sách của Weibo. "Phản hồi lần này đã cho thấy rằng cộng đồng LGBT Trung Quốc đang dần nhận ra các quyền lợi của mình", ông nói. "Họ đã im lặng trong nhiều năm và bây giờ đã bắt đầu lên tiếng".