Ông Yassine Qamous, người đứng đầu Droneway Maroc - công ty chuyên phân phối thiết bị bay không người lái tại châu Phi, cho biết các công ty ở nước này đã sử dụng thiết bị bay không người lái nhiều năm qua.
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhu cầu về thiết bị bay không người lái ở Maroc đã thực sự bùng nổ. Chỉ trong vài tuần, số đơn đặt hàng tại Maroc đã tăng gấp ba.
Nếu lâu nay, các quy định ở Maroc chỉ hạn chế thiết bị bay không người lái dân sự hoạt động trong một số ứng dụng cụ thể như quay phim, nông nghiệp, giám sát các tấm pin Mặt Trời và lập bản đồ thì khi nổ ra dịch COVID-19, các quy định này đã thay đổi một cách nhanh chóng.
Trong những tuần gần đây, nhà chức trách Maroc đã sử dụng thiết bị bay không người lái để đưa ra các cảnh báo, xác định các chuyển động đáng ngờ trên đường phố và giải tán các cuộc tụ tập trên sân thượng hay ban công bất hợp pháp do nhiều người không tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp hạn chế của chính quyền.
Đại dịch COVID-19 không chỉ thay đổi những quy định về việc sử dụng thiết bị bay không người lái tại quốc gia châu Phi này.
Giống như hầu hết các nước trong khu vực, Maroc thường sử dụng thiết bị bay không người lái nhập khẩu từ Trung Quốc, song kể từ khi nở rộ các ứng dụng mới liên quan đến COVID-19, các doanh nghiệp địa phương cũng bắt tay vào sản xuất các thiết bị bay chuyên dụng.
Tháng Ba vừa qua, Khoa hàng không thuộc Đại học Quốc tế Rabat (UIR) đã cung cấp các thiết bị bay không người lái có gắn loa phóng thanh hoặc camera hồng ngoại có thể phát hiện các chuyển động trong đêm hoặc phát hiện những người có thân nhiệt cao. Hiện nhiều dự án cũng đang được triển khai trên khắp Maroc.
Mới đây, chính quyền thị trấn Temara, gần thủ đô Rabat, đã đưa vào sử dụng hệ thống giám sát trên không có độ chính xác cao, vốn do công ty Beti3D phát triển nhằm lập bản đồ trên không.
Tính đến nay, Maroc đã ghi nhận 5.053 trường hợp mắc COVID-19 trong đó, có 179 người tử vong và 1.653 người bình phục.
Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, Maroc đã áp đặt nhiều biện pháp nghiêm ngặt nhằm khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong đó có hạn chế đi lại, đeo khẩu trang bắt buộc.
Quốc gia châu Phi này còn áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm khi tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo bắt đầu. Những người vi phạm các biện pháp phong tỏa của chính phủ sẽ bị phạt tù từ 1-3 tháng, hoặc mức phạt lên tới 125 USD.
Nhiều trường hợp còn bị áp dụng cả 2 hình thức trên. Thống kê cho thấy từ ngày 15/3 đến ngày 30/4 vừa qua, 85.000 người đã bị bắt giữ do vi phạm các biện pháp phong tỏa.