Sông Mekong với dòng chảy qua nhiều vùng đất suốt từ rìa dãy núi Himalaya thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đến đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam), đã hào phóng trao tặng đôi bờ các sản vật phong phú cũng như những trải nghiệm sống độc đáo, hấp dẫn. Tuy nhiên, tác động của con người - các quốc gia, các nền kinh tế và những chính sách qua từng thời kỳ - đã khiến dòng sông đang dần biến dạng, thậm chí khô kiệt ở một vài nơi cụ thể. Như các chuyên gia đã chỉ ra, các con đập, các tuyến đường sắt, đường cao tốc mới, những mô hình khai thác kinh tế hai bên bờ sông... đã, đang và sẽ làm thay đổi hẳn môi trường văn hóa cũng như sự phong phú sinh thái của dòng Mekong.
Câu chuyện ấy được tác giả Brian Eyler đưa vào một hành trình khám phá, hay đúng hơn là một chuyến du khảo Mekong từ thượng nguồn đến hạ nguồn, nghiên cứu về thảm động thực vật đa dạng và phong phú nơi đây. Xuyên suốt cuộc du hành ấy, Mekong được thể hiện với những phác họa hùng vĩ, tráng lệ, một dòng nước chảy qua những miền đất miên man để góp phần tạo nên những nét văn hoá, bản sắc dân tộc độc đáo trải dài xuyên suốt 4354km của dòng sông.
Đáng buồn là, chính sự trù phú và thảm thực vật đa dạng mà dòng sông ban cho con người nay lại trở thành điều “giết chết” nó một cách dần mòn, khốc liệt... Và rất có thể tựa sách “Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ” sẽ là một lời tiên tri u ám và hiện hữu.
Brian Eyler viết cuốn sách với con mắt của một nhà nghiên cứu, một du khách, và một con người mang tâm huyết lớn đối với cả toàn bộ dòng sông. Niềm trăn trở của tác giả đối với những thay đổi từ kinh tế, môi trường của mà con người đang áp đăt lên khắp chiều dài của dòng sông đang ngày càng bòn rút đi sự sống nơi đây. Ông cũng thể hiện nỗi lo ngại về các tác động từ đầu nguồn trong những thập kỉ gần đây đang tác động đến các quốc gia nơi hạ lưu Mekong gây ra nhiều nguy cơ tới kinh tế, môi trường..., đẩy các quốc gia này tới tình thế “tiến thoái lưỡng nan” trong định hướng và phát triển đất nước.
Sự ảnh hưởng của con người đến với dòng Mekong là không thể bàn cãi, những dự án đập đã và đang đè nặng lên dòng sông, theo đó là các tuyến đường sắt, đường cao tốc mới nhằm bành trướng kinh tế, hệ sinh thái mới mà chúng ta gọi là “văn minh” này sẽ làm thay đổi hẳn môi trường sống, văn hoá và sự phong phú sinh thái mà hiện nay còn lưu giữ trong những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ.
Các tuyến đường, du lịch, hệ thống kênh rạch, đô thị hoá, rác thải công nghiệp… đang bóp nghẹt và lấy đi nguồn sinh dưỡng của những cư dân tại địa phương. Sự huỷ hoại về hệ sinh thái, hệ thông công nghiệp, ô nhiễm đến từ rác thải đang làm thay đổi và suy giảm quần thế thuỷ sản của dòng sông.
Trải dài qua 6 quốc gia, dòng sông Mekong là nơi khai sinh vô số dân tộc, mỗi dân tộc lại có nét văn hoá, bản sắc riêng … Con người nơi đây được dòng sông nuôi dưỡng, sinh ra và lớn lên đều do những dưỡng chất Mekong đem lại nhưng nay mọi thứ đang bị bóp méo, sói mòn do quá trình đô thị hoá, hiện đại hoá của từng quốc gia. Sự thịnh vượng trở thành nỗi ám ảnh và dòng sông trở thành nạn nhân cho để vắt kiệt mọi tài nguyên nhằm mục đích phát triển tối đa mục đích ấy. Qua tác phẩm, tác giả muốn vạch trần những rủi ro mà phương thức phát triển kinh tế hiện nay đang tác động đến dòng sông và nêu ra phương hướng nhằm cải thiện tình hình và bảo vệ hệ sinh thái cốt lõi tại nơi đây.
Xét theo góc độ nào đó, khi bạn đọc nó, những tia hy vọng mới của Mekong lại được sinh ra. Bởi, mục tiêu lớn nhất của tác giả cũng như những đơn vị chung tay phát hành quyển sách này là làm thay đổi nhận thức và hành động của con người đối với Mekong nói riêng và môi trường sống nói chung.
Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ Tác giả: Brian Eyler Sách do Phanbook phát hành, in tại NXB Phụ nữ Việt Nam (2020) |