Meta tạo AI kiểm tra các trích dẫn trên Wikipedia

Meta tạo AI kiểm tra các trích dẫn trên Wikipedia
Tạp chí Nhịp sống số - Meta được cho là đã phát triển một mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tự động quét các trích dẫn Wikipedia trên quy mô lớn để xác minh độ chính xác của chúng.

Theo Engadget, công cụ mới cũng có thể đề xuất các trích dẫn thay thế khi tìm thấy một đoạn văn bản có nguồn gốc kém.

Để đánh giá các trích dẫn, các biên tập viên của Wikipedia sẽ dựa trên cảm nhận và kinh nghiệm thông thường, và AI của Meta cũng sẽ thực hiện công việc tương tự, nơi nó sử dụng mô hình chuyển đổi “Hiểu ngôn ngữ tự nhiên” (NLU) để cố gắng hiểu các mối quan hệ khác nhau của các từ và cụm từ trong một câu.

Cơ sở dữ liệu Sphere của Meta bao gồm hơn 134 triệu trang web đóng vai trò là chỉ mục kiến thức cho hệ thống AI. Khi nó thực hiện công việc kiểm tra các trích dẫn trong một bài báo, mô hình này sẽ tìm nguồn duy nhất để xác minh mọi tuyên bố.

Meta hy vọng mô hình mới có thể giúp giải quyết các vấn đề về thông tin sai lệch trên Facebook, cải thiện các nỗ lực kiểm tra nội dung và tăng mức độ tin cậy chung cho các thông tin trực tuyến. Trong thời gian chờ đợi công cụ mới cải thiện sức mạnh, Meta hy vọng sẽ xây dựng một nền tảng mà các biên tập viên Wikipedia có thể sử dụng để xác minh và sửa chữa chú thích một cách có hệ thống.

Được biết, việc xác minh các trích dẫn trên Wikipedia là vấn đề đau đầu đối với Wikimedia Foundation, đơn vị điều hành trang bách khoa toàn thư trực tuyến lớn nhất thế giới này. Gần đây, Wikimedia Foundation đã hợp tác với Meta để tìm cách cải thiện khả năng xác minh, đặc biệt khi trang web này ngày càng phát triển với hơn 17.000 bài báo hằng tháng, trong đó có vô số trích dẫn không đầy đủ, thiếu hoặc chỉ đơn giản là không chính xác.

Theo Engadget/PCW

Có thể bạn quan tâm