Theo Neowin, AV-TEST thực hiện phân tích hiệu suất của các phần mềm chống virus chủ yếu trong ba loại, gồm Bảo vệ, Hiệu suất và Khả năng sử dụng. Bảo vệ đo khả năng phát hiện các mẫu độc hại, Hiệu suất đo mức sử dụng tài nguyên hệ thống và Khả năng sử dụng nhằm phát hiện báo động sai. Ở mỗi hạng mục, các ứng viên được chấm tối đa 6 điểm. Microsoft Defender đã làm tốt ở mục Bảo vệ và Khả năng sử dụng, nhưng lại kém nhất trong nhóm khi nói đến Hiệu suất. Công cụ này của Microsoft nhận được 6 điểm ở hai hạng mục đầu tiên, nhưng chỉ có 5 điểm ở Hiệu suất.
Lý giải cho quá trình đánh giá hiệu suất, AV-TEST cho biết qua các thử nghiệm, Windows Defender Antivirus cho người tiêu dùng có mức tải hệ thống cao hơn đáng kể so với mức tải của các sản phẩm khác. Vì vậy, nó chỉ đạt mức 5/6 điểm.
Cũng theo AV-TEST, trong số các sản phẩm hầu như không yêu cầu bất kỳ tài nguyên hệ thống nào để hoạt động có Avast, Avira, Bitdefender, G DATA, K7 Computing, Kaspersky, Malwarebytes, Protected.net, PC Matic và Trend Micro. Tất cả các giải pháp chống phần mềm độc hại này đều giành được 6 điểm. Ngoài ra, các sản phẩm có mức tải hệ thống nhẹ và đạt số điểm 5,5/6 bao gồm AhnLab, AVG, ESET, F-Secure, McAfee, Microworld và Norton.
Mặc dù được xếp hạng cao ở danh mục Hiệu suất nhưng PC Matic là một trong những sản phẩm được đánh giá khá tệ trong danh mục Khả năng sử dụng khi chỉ nhận được số điểm 3/6. Theo AV-TEST, PC Matic có đến hơn 20 thông báo sai và ứng dụng bị chặn.
Với tất cả những gì làm được, Microsoft Defender đã không thể lọt vào Top các giải pháp chống phần mềm độc hại tốt nhất trong tổng số 18 công cụ mà AV-TEST đánh giá.