Theo Neowin, nói về Project Silica, Microsoft cho biết "Dữ liệu được lưu trữ trong kính thông qua quy trình gồm bốn bước: ghi bằng tia laser femto giây cực nhanh, đọc qua kính hiển vi điều khiển bằng máy tính, giải mã và cuối cùng là lưu trữ trong thư viện. Thư viện thụ động, không có điện trong bất kỳ thiết bị lưu trữ nào".
Hiện tại, công nghệ này có thể được sử dụng để lưu trữ vài terabyte dữ liệu trên một tấm kính nhỏ và dữ liệu đó sẽ tồn tại ít nhất 10.000 năm. Vì những tấm kính này rất nhỏ nên chúng chỉ cần một phần không gian so với các trung tâm dữ liệu đám mây hiện tại.
Microsoft đang hợp tác với một nhóm liên doanh có tên Elire để sử dụng công nghệ trong Project Silica nhằm giúp tạo ra Global Music Vault ở Svalbard, Na Uy. Công nghệ này sẽ cho phép lưu trữ các bài hát bằng các tấm kính, vừa thân thiện với môi trường vừa có khả năng chống lại các xung điện từ.
Tin xấu là công nghệ lưu trữ dữ liệu bằng tấm kính này vẫn chưa khả thi về mặt thương mại. Microsoft cho biết sẽ mất từ 3 đến 4 giai đoạn phát triển trước khi đạt đến cấp độ đó. Tuy nhiên, tại một thời điểm nào đó trong tương lai, các trung tâm đám mây Microsoft Azure có thể sử dụng công nghệ từ Project Silica để lưu trữ ảnh, video, âm thanh và tài liệu của người dùng.
Project Silica cũng có hạn chế, đó là sau khi dữ liệu được ghi, nó không thể được sửa đổi. Điều này làm cho nó phù hợp hơn cho việc lưu trữ dữ liệu lên đám mây về lâu dài, ví dụ như các kho lưu trữ lịch sử hoặc khoa học.