Microsoft Việt Nam hỗ trợ tập huấn Chương trình Tin học ứng dụng và Khoa học máy tính

Microsoft Việt Nam hỗ trợ tập huấn Chương trình Tin học ứng dụng và Khoa học máy tính
Tạp chí Nhịp sống số - Ngày 5/11, Dự án Giáo dục THCS Khu vực khó khăn nhất giai đoạn 2, Cục Công nghệ Thông tin (CNTT), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Microsoft Việt Nam và Vietnet-ICT khởi động chuỗi tập huấn chương trình Tin học ứng dụng và Khoa học máy tính cho gần 500 giáo viên Tin học của các tỉnh Hòa

Theo mục tiêu đến năm 2020 của chính phủ, Việt Nam cần hơn 1 triệu lao động hoạt động trong lĩnh vực CNTT. Để đạt mục tiêu này, đòi hỏi đầu tư bài bản việc tiếp cận CNTT cho học sinh từ các bậc học phổ thông trên mọi vùng miền.  Nhưng hiện nay kiến thức Tin học của học sinh còn hạn chế và không phải là hành trang giúp các em tiếp cận cơ hộị nghề nghiệp hay học tập cao hơn.

Dự án “Tăng cường kỹ năng Công nghệ thông tin cho Giới trẻ hội nhập và phát triển” do Microsoft tài trợ, chính là sáng kiến hướng tới mục tiêu phổ cập khoa học máy tính và CNTT, đặc biệt là cho học sinh dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, những địa bàn gặp khó khăn khi tiếp cận công nghệ. Triển khai từ đầu năm 2016, dự án đã khảo sát thực tế dạy và học môn Tin học tại 9 trường THCS, Dân tộc nội trú và Trung tâm Giáo dục Thường xuyên trên địa bàn Hoà Bình, Đà Nẵng, Kiên Giang.

Theo khảo sát, máy tính tại các trường đều cũ và sử dụng ứng dụng không cập nhật.  Các chương trình Tin học được dạy như DOS, Pascal.. đều không còn phù hợp. Điểm sáng là hơn 50% học sinh THCS đều đã biết sử dụng Microsoft Office, 78% muốn học cách xây dựng ứng dụng cho điện thoại hoặc máy tính. Hơn thế, các em đều hào hứng tham dự những chương trình học đa phương tiện mang tính tương tác cao như KODU, SCRATCH, ALICE, làm phim, đồ hoạ 3D, đồ họa 2D...

Dựa vào thực tế này, Cục CNTT- Bộ GD&ĐT chỉ đạo xây dựng chương trình “Tin học ứng dụng và Khoa học máy tính ngoại khóa thí điểm” thiết thực cho học sinh THCS theo ba chủ đề: (1) Một số ứng dụng tin học cơ bản; (2) Đồ họa 2D, 3D và dựng phim; (3) Lập trình 2D và 3D.

“Là đơn vị kết nối triển khai, Vietnet-ICT rất vui mừng vì dự án nhận được sự ủng hộ và tham gia đầy trách nhiệm của Cục CNTT - Bộ GD&ĐT trong lộ trình đưa khoa học máy tính và CNTT tới nhóm thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ bổ sung kỹ năng CNTT, định hướng tốt hơn về nghề nghiệp và khởi nghiệp trong thời kỳ hội nhập”, Bà Nguyễn Thu Huệ, Giám đốc Vietnet-ICT nhấn mạnh.

Xuyên suốt tài liệu này, học sinh sẽ làm quen với hệ điều hành, những ứng dụng hiện đại trên nền tảng điện toán đám mây như bộ Office 365, trải nghiệm về khoa học máy tính hoàn toàn mới lạ và thú vị khi học lập trình 2D, 3D hay Dựng phim. Người học được tiếp cận các bước cơ bản trong lập trình bằng phương pháp vừa học vừa chơi thông qua lập trình trực quan để tự xây dựng được những ngữ cảnh trò chơi với đầy đủ hội thoại, âm thanh và hiệu ứng như Scratch và KoDu.  Sau khóa học, học sinh có thể tự thiết kế và phác thảo đồ họa, từ đơn giản đến phức tạp. Đồng thời, người học hiểu về phương thức tổ chức một bộ phim, cách dựng cảnh, xử lý đa phương tiện và ghép hình, lồng âm thanh,… để tạo ra clip video chuyên nghiệp. Ngoài ra, giáo trình còn bổ sung cho người học những kiến thức về Internet, www, mạng xã hội, các ứng dụng web cũng như kỹ năng bảo mật và an toàn trên mạng.

Áp dụng những phương pháp giảng dạy mới và ưu việt đã thành công trên thế giới, bộ sách hứa hẹn mang lại hiệu quả và truyền được cảm hứng dạy và học tới các thầy cô và học sinh.

Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD&ĐT phát biểu: “Tài lệu được thiết kế theo hướng mô-đun hóa với các chủ đề tương đối độc lập để giáo viên dễ dàng lựa chọn nội dung tổ chức dạy học một cách linh hoạt theo điều kiện thực tế ở lớp học. Phương pháp dạy học chủ yếu là lấy người học làm trung tâm, tăng khả năng thực hành và thảo luận nhóm nhằm phát triển trí sáng tạo của người học, thể hiện qua yêu cầu hoàn thiện các dự án trong mỗi chủ đề. Sau khi học chương trình này, học sinh phát triển được các năng lực cần thiết về tư duy như lô gic, thuật toán, phê phán, sáng tạo, hệ thống, năng lực giải quyết vấn đề, xử lí dữ liệu,.. Từ đó học sinh sẽ biết ứng dụng CNTT để đạt hiệu quả cao trong học tập cũng như xử lý nhiều bài toán và vấn đề trong thực tế, ví dụ: học sinh có thể nhanh chóng học và tự lập trình ra các trò chơi (games) sinh động để chia sẻ ra xã hội thông qua các kho ứng dụng”.

Để đổi mới công tác tập huấn nhằm nâng cao chất lượng giáo viên, dự án đã khởi động hình thức tập huấn qua mạng và dạy trực tiếp. Giáo viên có thể nghiên cứu các bài giảng e-learning có sẵn trên Cổng tập huấn của Bộ GDĐT và tìm trợ giúp của các chuyên gia tại địa chỉ: http://taphuan.moet.edu.vn.  Do giáo viên sẽ hoàn thành mọi bài học e-learning trước khi tập huấn trực tiếp nên chương trình này chỉ tập trung nâng cao kiến thức và phương pháp tổ chức lớp học.  Các lớp bồi dưỡng trực tuyến hàng tháng sẽ được tổ chức để giải đáp thắc mắc và cập nhật các ứng dụng và phương pháp giáo dục mới cho giáo viên.

“Trong bối cảnh toàn ngành đang tích cực triển khai Nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, chúng tôi kỳ vọng rằng sự đóng góp của Dự án với Cục CNTT và các đơn vị liên quan sẽ góp phần tăng cường năng lực, bổ sung những kỹ năng cần thiết cho đội ngũ giáo viên tin học ở những vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, tạo ra sức ảnh hưởng mang tính lan tỏa trong cả nước”, Ông Đào Ngọc Nam, Giám đốc Dự án Giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất, giai đoạn 2 nhận định.

Đợt tập huấn đầu tiên diễn ra vào ngày 5, 6/ 11/2016 tại Hải Phòng cho các giáo viên của Hòa Bình và Quảng Ninh. Hai đợt đào tạo tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 12, 13/ 11 và 15, 16/11/2016 tại Cần Thơ và Đà Nẵng cho các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Sóc Trăng, Kiên Giang. Dự kiến, chương trình sẽ tiếp cận được hơn 50 ngàn học sinh của 356 trường dân tộc thiểu số và vùng khó khăn qua các giờ học ngoại khoá hoặc các trung tâm Ekocenter.

“Cam kết của Microsoft là góp phần phát triển kinh tế quốc gia bằng các chương trình tăng cường chuyển đổi kỹ thuật số, đặc biệt cho những cộng đồng thiệt thòi. Microsoft chú trọng đầu tư hỗ trợ giáo dục, giúp giới trẻ tiếp cận khoa học máy tính nhằm phát triển tư duy lập trình để giải quyết các bài toán thực tiễn. Thông qua dự án này, chúng tôi cung cấp cho thanh thiếu niên những tài nguyên số, tài nguyên giáo dục, khơi gợi niềm đam mê về khoa học máy tính và CNTT, từ đó nắm bắt tốt hơn những tri thức và kỹ năng của thế kỷ 21, nhằm gia tăng được cơ hội phát triển nghề nghiệp cho tất cả thanh thiếu niên Việt Nam”, Ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm