Đó là thông điệp được ông Nguyễn Bá Diệp - đồng sáng lập kiêm Phó chủ tịch Ví điện tử MoMo - chia sẻ tại buổi đón tiếp Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính Phủ, dẫn đầu là TS. Nguyễn Đức Kiên (Tổ trưởng Tổ tư vấn) đã đến thăm và làm việc tại văn phòng Ví điện tử MoMo.
Theo đó, đại diện MoMo cho biết, trong chặng đường hơn 10 năm, sự phát triển của MoMo đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam, hỗ trợ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp, góp phần phát triển tài chính toàn diện và gia tăng thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ công của Chính phủ. Đến nay, MoMo xây dựng hệ sinh thái hơn 120.000 điểm chấp nhận thanh toán của các đối tác lớn nhỏ, trong và ngoài nước, từ xe đẩy trái cây cho tới hộ kinh doanh. Tại trung tâm đầu não, MoMo thành lập bộ phận “Giải pháp cho đối tác” (Merchant Solution) chuyên tập trung phát triển, sáng tạo các giải pháp kết nối cho các doanh nghiệp SMEs.
Các giải pháp dành cho đối tác của Ví MoMo đáp ứng 4 yếu tố mà các doanh nghiệp cần cho giai đoạn "Hậu Covid-19", nhất là trong kỷ nguyên số: Cung cấp hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt; Tìm kiếm khách hàng mới; Khả năng Chăm sóc khách hàng tốt hơn, thấu hiểu khách hàng hơn; và cuối cùng chính là giải quyết bài toán Quản lý doanh thu và chi phí. Theo MoMo, các đối tác của Ví điện tử này sẽ có thể có thêm hàng triệu khách hàng mới và chăm sóc khách hàng với chi phí thấp hơn. Đồng thời, các đối tác nhỏ, đơn lẻ (như các tiểu thương, người bán hàng rong, các bạn trẻ khởi nghiệp,..) đều có thể tương tác trên nền tảng Ví MoMo, tăng khả năng bán hàng và tăng tính cạnh tranh.
Đặc biệt, tháng 9 vừa qua, MoMo chính thức công bố cán mốc 20 triệu người sau 10 năm ra mắt thương hiệu Ví MoMo trên thị trường. Đây là giai đoạn mở ra chiến lược mới của của Ví điện tử MoMo, trở thành siêu ứng dụng đầu tiên tại Việt Nam. Theo đó, siêu ứng dụng MoMo sẽ đóng vai trò như những “CTO, CMO, CFO” của đối tác, đặc biệt là các SMEs. Nói rộng hơn là tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành bán lẻ Việt Nam. Đây chính là yếu tố chính trong Chiến lược New Retail - xu hướng mà các doanh nghiệp Việt đang hướng đến. Khi đó, bán lẻ truyền thống và bán lẻ trực tuyến hoà hợp trong cùng một trải nghiệm thống nhất do dữ liệu dẫn dắt (data driven).
“Phát triển siêu ứng dụng sẽ mang đến network effect (hiệu ứng mạng) cho toàn bộ hệ sinh thái. Khi số lượng đối tác trên hệ thống MoMo và số lượng dịch vụ cung cấp tăng lên, lượng người dùng sẽ tăng theo, hỗ trợ lẫn nhau và tương tác để khách hàng có thêm nhiều dịch vụ mới hơn và thực hiện nhiều giao dịch mua sắm hơn. Rất nhiều đối tác hiện nay đang gặp vấn đề là họ không biết người khách hàng của mình là ai hoặc không đủ nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ hoàn chỉnh. Siêu ứng dụng mà MoMo xây dựng sẽ là nền tảng hữu hiệu giúp bất kỳ đối tác nào cũng dễ dàng tiếp cận được tập người dùng, hiểu được khách hàng của mình là ai ngay trên ứng dụng”, ông Nguyễn Bá Diệp cho biết.
Cũng tại buổi gặp gỡ, Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đã có buổi trao đổi với Ban lãnh đạo Ví MoMo, trong đó, nhấn mạnh vị trí, vai trò của Fintech nói chung và Ví MoMo nói riêng với sự phát triển chung của kinh tế - xã hội. Theo đó, không dừng lại ở cung cấp dịch vụ thanh toán, sự sáng tạo, nhanh nhạy với thị trường cùng nền tảng công nghệ vững mạnh, các đơn vị như Ví MoMo đang ngày một khẳng định vị trí quan trọng của mình, tác động mạnh mẽ lên nền kinh tế Việt Nam, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Liên quan đến hành lang pháp lý dành cho Fintech, đại diện Ví MoMo đã đưa ra những đề xuất cụ thể, như: (1) Thúc đẩy và mở rộng thanh toán dịch vụ công (thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nộp phạt vi phạm hành chính,…) thông qua hình thức không tiền mặt và có cơ chế trà phí phù hợp; (2) Có cơ chế pháp lý cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, bên cạnh các cơ chế quản lý rủi ro, hành lang pháp lý dành cho Fintech cũng còn cần có quan điểm khoan dung, dễ chấp nhận hơn. Song song, là tinh thần khuyến khích các Fintech phát triển thông qua các cơ chế hỗ trợ về miễn giảm thuế, thu hút nhân tài,... Như vậy cũng phù hợp với tinh thần quốc gia khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo mà Chính phủ hướng tới.
“Một khi đã có sự tham gia của công nghệ, người dân Việt Nam chắc chắn sẽ thuận tiện hơn trong tiếp cận các dịch vụ tài chính, sớm thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện của Chính phủ. Vì vậy, tinh thần pháp lý dành cho các Fintech mà Ví MoMo nói riêng và các đơn vị khác nói chung mong muốn là có sự bằng giữa lợi ích và rủi ro nhất định. Nếu như đổi mới đem lại lợi ích đến 99% thì cũng cần có quan điểm khoan dung hơn với 1 - 2% rủi ro có thể tăng lên khi mà chúng ta khuyến khích và cho phép các hình thái mới phát triển”, ông Nguyễn Bá Diệp (Đồng sáng lập, Phó chủ tịch Ví MoMo) bày tỏ.
Ghi nhận những ý kiến này, các thành viên Tổ tư vấn khẳng định mục tiêu cuối cùng của cơ quan lập pháp, cơ quan quản lý đối với thị trường Fintech vẫn phải lấy sự an toàn của người dân và nền tài chính quốc gia làm trọng. Nhưng chắc chắn sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ, xây dựng hành lang pháp lý để thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bắt đầu hoạt động vào năm 2007, MoMo là công ty tiên phong trong lĩnh vực thanh toán di động với sứ mệnh sử dụng công nghệ để mang đến cơ hội bình đẳng cho tất cả người dân Việt Nam trong việc tiếp cận các dịch vụ và sản phẩm tài chính.