Trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (Thụy Sĩ), ngày 21/1/2025, Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự Tọa đàm với các tập đoàn tài chính, công nghệ toàn cầu với chủ đề: “Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - cất cánh trong kỷ nguyên thông minh”. Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao phối hợp với Tập đoàn FPT và VinaCapital phối hợp tổ chức.
Tham dự sự kiện có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan liên quan; đại diện các doanh nghiệp Việt Nam gồm BIDV, EVN, FPT, Sovico, Techcombank, Viettel, Vietnam Airlines, Vietcombank, VinaCapital, VNPT và đại diện các tập đoàn lớn trên thế giới như Ericsson, Google, Hyundai Motor, Qualcomm, Schneider Electric, Visa….
Những yếu tố quan trọng khiến Việt Nam sẵn sàng "chuyển mình"
Mở đầu tọa đàm, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT đã giới thiệu về tiềm năng thu hút đầu tư vào Việt Nam nhờ thế mạnh công nghệ cao sẵn có và sự hỗ trợ toàn diện từ Chính phủ Việt Nam với các định hướng chiến lược quốc gia trong công nghệ. Theo ông Bình, có 3 yếu tố quan trọng giúp Việt Nam chuyển mình thành một quốc gia hàng đầu về trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn.
Thứ nhất, theo ông Bình đó là một Việt Nam mới, một Việt Nam đang tiếp tục ưu tiên kiến tạo tăng trưởng, thay đổi tư duy từ quản lý sang kiến tạo, từ kiểm soát quy trình sang quan tâm kết quả.
Thứ hai là Việt Nam đã chọn khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ AI, bán dẫn, chuyển đổi số làm động lực quan trọng trong thời gian tới để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng hai con số. Đây là yêu cầu, mong muốn của cả hệ thống chính trị. Các tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam cũng đã có những cam kết sẽ làm gì để đưa Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới. Ông Bình cũng khẳng định, nhờ định hướng này, Việt Nam đã dần khẳng định vị thế công nghệ của mình. Từ một quốc gia chỉ cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam giờ đây cùng với Ấn Độ là hai quốc gia có doanh thu hơn 1 tỷ USD từ xuất khẩu phần mềm. Hiện tại, Việt Nam có khoảng 1 triệu kỹ sư CNTT và 500.000 lập trình viên phần mềm. NVIDIA đã lựa chọn Việt Nam là “ngôi nhà thứ hai” và đầu tư mạnh mẽ vào đây. Đồng thời, Việt Nam cũng đang hoàn thiện đầu tư hạ tầng cho AI với việc vừa ra mắt nhà máy AI tại Việt Nam và Nhật Bản.
Thứ ba, ông Bình cho rằng Việt Nam cũng có lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua việc đưa AI, STEM vào đào tạo người học ở tất cả các cấp, từ tiểu học.
Chia sẻ tại sự kiện, đại diện các tập đoàn lớn của nước ngoài khẳng định, tiềm năng to lớn của Việt Nam trong việc phát triển công nghệ, đặc biệt là AI và năng lượng. Các công ty cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng hạ tầng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt, ông Sanjay Gupta, Chủ tịch khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Google đã khẳng định rất hào hứng với tương lai AI của Việt Nam. Theo nghiên cứu của Google, AI có thể đóng góp gần 80 tỷ USD vào GDP của Việt Nam mỗi năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Giải đáp các ý kiến của các doanh nghiệp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam đang nỗ lực cải cách môi trường đầu tư để trở thành điểm đến an toàn, hiệu quả và cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
"Chào hàng" với thế giới những cơ hội về đầu tư công nghệ cao
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Toạ đàm, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cũng chia sẻ nhiều thông tin quan trọng.
Theo đó, Việt Nam nhận thức sâu sắc phát triển công nghệ cao không chỉ là điều kiện cần thiết để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, mà còn là chìa khóa để đưa đất nước "cất cánh" trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại; là nền tảng để xây dựng nền kinh tế tri thức, hướng tới phát triển bền vững.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, Việt Nam nhận thức sâu sắc phát triển công nghệ cao không chỉ là điều kiện cần thiết để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, mà còn là chìa khóa để đưa đất nước "cất cánh" trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại; là nền tảng để xây dựng nền kinh tế tri thức, hướng tới phát triển bền vững.
Sau gần 40 năm Đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được một số thành quả quan trọng. Cụ thể, về môi trường đầu tư, Việt Nam được cộng đồng quốc tế, nhà đầu tư đánh giá tích cực; nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã lựa chọn Việt Nam là trung tâm sản xuất chiến lược, kết nối với các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đặc biệt, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thu hút, phát triển đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, với đóng góp của các tập đoàn công nghệ quốc tế lớn như Samsung, Intel, Nvidia, Google, Meta...
Cùng đó, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp lớn về điện tử, CNTT, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hạ tầng số cùng nhiều nhà đầu tư lớn đang chuẩn bị triển khai hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Đơn cử, có thể kể đến FPT với chiến lược đầu tư vào 5 lĩnh vực trong yếu AI - Bán - Xe - Số - Xanh (AI, Bán dẫn, Công nghệ ô tô số, Chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh). Với năng lực công nghệ, kinh nghiệm tích lũy, FPT tin tưởng, đây không chỉ là 5 lĩnh vực tạo động lực tăng trưởng đưa FPT trở thành tập đoàn công nghệ số tầm cỡ thế giới đạt doanh thu 5 tỷ USD từ nước ngoài vào năm 2030 mà còn là cơ hội đưa Việt Nam sánh vai với các quốc gia tiên tiến, vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Trong lĩnh vực AI, FPT là doanh nghiệp tiên phong và duy nhất tại Việt Nam cùng lúc đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng thông minh song song với việc thiết kế các sản phẩm, giải pháp giải quyết các bài toán đặc thù của doanh nghiệp. Với năng lực và kinh nghiệm tích lũy trong hơn 10 năm qua, FPT đã hình thành hệ sinh thái AI với 40 sản phẩm, giải pháp, nền tảng... Đặc biệt, FPT đã hợp tác với các "ông lớn" trong đào tạo AI gồm Nvidia, Landing AI, Mila. Đưa AI vào đào tạo học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, mở khoa đào tạo AI, bán dẫn…
Trong lĩnh vực bán dẫn, FPT đã và đang đi theo định hướng chip Make in Việt Nam, trong đó sở hữu đội ngũ thiết kế nòng cốt là các kỹ sư Việt Nam, được trưởng thành từ cái nôi của chip bán dẫn là Nhật Bản, Mỹ. Với việc tự chủ về công nghệ và khả năng linh hoạt cao, FPT có thể thiết kế chip nguồn riêng cho từng loại thiết bị, tùy biến theo nhu cầu của khách hàng, giúp họ khai thác sức mạnh của sản phẩm. Từ đó thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tự sản xuất chip, tham gia vào chuỗi cung ứng của ngành bán dẫn. Hiện FPT đã có đơn đặt hàng 70 triệu chip đến 2025. FPT cũng đặt mục tiêu đào tạo 10.000 nhân lực bán dẫn cho Việt Nam vào năm 2030.