Muốn thành công với 4.0, phải ưu tiên hạ tầng số

Muốn thành công với 4.0, phải ưu tiên hạ tầng số
Tạp chí Nhịp sống số - Với những thành tựu khoa học công nghệ (KHCN) tác động ngày càng mạnh mẽ lên mọi mặt của xã hội, chính phủ số cùng với nền kinh tế số và xã hội số đang trở thành xu thế phát triển tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng, để có được điều đó, việc xây dựng và phát triển hạ tầng số (HTS) được

Muốn thành công với 4.0, phải ưu tiên hạ tầng số

Cần có khung pháp lý cho HTS

Báo cáo của Văn phòng Chính phủ (cơ quan được Chính phủ giao chủ trì việc triển khai các nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử - CPĐT) cho biết: Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) năm 2014 đã lần đầu tiên đưa ra khuyến nghị về các chiến lược chính phủ số. Trong đó, OECD phân biệt rõ giữa CPĐT (là nơi công nghệ được ứng dụng để cải tiến hiệu quả các quá trình hiện hữu) và chính phủ số (là nơi các dịch vụ được hình thành và cung cấp theo những cách đổi mới, sáng tạo nhờ có sự hỗ trợ của các công nghệ hiện đại).

Theo GS Hồ Tú Bảo - Viện nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM), phải có HTS thì mới xây dựng được chính phủ số và kinh tế số. Trong đó, các thành phần để xây dựng HTS gồm thiết bị kết nối, dữ liệu và ứng dụng, hạ tầng pháp lý và hạ tầng nhân lực. Hạ tầng thiết bị ở đây là máy móc điện tử, hạ tầng dữ liệu là cơ sở dữ liệu (CSDL), công nghệ, quy trình, cách vận hành CSDL. Với hạ tầng ứng dụng, đó là công cụ để khai thác dữ liệu đã có, một phần của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), của Big Data...

GS Hồ Tú Bảo cho rằng, việc xây dựng HTS cần sự kiên trì và thời gian xây dựng lâu dài. Do vậy, Chính phủ cần sớm ban hành một bộ tiêu chuẩn chung để các địa phương từ đó mà làm theo, tránh việc chờ đợi lẫn nhau hoặc không biết phải làm thế nào hay làm không tốt phải sửa lại. “Quan trọng nhất là phải tạo được một bộ khung pháp lý, đặc biệt là phải có luật cho HTS”- GS Hồ Tú Bảo cho biết.

Trong khi đó, ông Phùng Văn Cường – TGĐ  Tổng công ty Giải pháp DN Viettel - cho rằng, để phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số theo đòi hỏi của CMCN 4.0, cần phải ưu tiên phát triển HTS tương ứng. Hiện nay, Viettel đang thực hiện nhiều dự án phần mềm cho CPĐT, như: Dự án CSDL quốc gia về dân cư dựa trên thông tin chứng minh thư, thẻ căn cước; CSDL ngành y tế (xây dựng hồ sơ sức khoẻ người dân, cổng tiêm chủng dành cho trẻ em…). Các mục tiêu lớn của Viettel hướng tới là mỗi người dân có một ID công dân duy nhất; mỗi công dân có một hồ sơ sức khỏe cá nhân; mỗi học sinh có một học bạ điện tử;.. đồng thời Viettel cũng đang bắt tay xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia cho các lĩnh vực làm nền tảng phát triển chính phủ số kiến tạo.

“HTS mà Viettel đang sở hữu và xây dựng sẽ là điều kiện đảm bảo cho sự thành công của Chính phủ số, góp phần giải quyết các nhu cầu của xã hội; đảm bảo môi trường mạng an toàn cho người Việt Nam, phục vụ sự phát triển của cả nền kinh tế - xã hội, hướng tới một xã hội phát triển và hội nhập” - ông Cường khẳng định.

Không chỉ Viettel, hiện nay các công ty công nghệ lớn của Việt Nam như VNPT, FPT, CMC đều đã tuyên bố sẵn sàng với quá trình số hóa toàn diện, trước hết là phần xây dựng và phát triển HTS. Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc công nghệ ty Hệ thống thông tin FPT cho biết với hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc đồng hành xây dựng hệ thống chính quyền điện tử cho nhiều địa phương, có quan hệ với mạng lưới chuyên gia hàng đầu về chính phủ số của thế giới, nắm trong tay nhiều công nghệ mới nhất trong CMCN 4.0, FPT sẵn sàng tư vấn và đồng hành cùng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương trên toàn quốc để xây dựng chính phủ số. “Với hơn 1.500 chuyên gia trong lĩnh vực công, có am hiểu sâu rộng về nghiệp vụ cải cách hành chính, FPT cam kết sẽ đồng hành và gắn bó lâu dài vì lợi ích chung, cùng hướng tới sự thành công trong việc triển khai chính phủ số tại Việt Nam” - ông Sơn nhấn mạnh.  

Khai thác hiệu quả HTS là chìa khóa của vấn đề

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, HTS đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển chính phủ số và nền kinh tế số. Tuy nhiên, dù sở hữu một HTS mạnh nhưng nếu không biết ứng dụng để khai thác một cách có hiệu quả thì cũng không giúp được nhiều cho sự phát triển kinh tế. Do đó, việc phát triển HTS cần phải có một kế hoạch dài hơi và một lộ trình cụ thể.

Theo đó, cần xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi cho xây dựng CPĐT hướng tới nền kinh tế số và xã hội số, trước hết là các qui định pháp luật về đầu tư ứng dụng CNTT; tạo dựng, khai thác, sử dụng và bảo vệ dữ liệu, dữ liệu mở; kết nối và chia sẻ dữ liệu; xác thực điện tử và bảo vệ thông tin cá nhân,... Việc xây dựng và phát triển HTS - đặc biệt là hạ tầng dữ liệu – phải song hành với tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; sớm hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia, đặc biệt ưu tiên cơ sở dữ liệu về dân cư, doanh nghiệp, bảo hiểm, đất đai,...

Với Việt Nam, cần phải tập trung hình thành nhanh chóng các CSDL phục vụ quản trị công và giúp cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ cao cho người dân, doanh nghiệp; cập nhật khung kiến trúc CPĐT theo xu hướng CMCN 4.0; ban hành chuẩn dữ liệu, thông tin số để đảm bảo tính đồng bộ, kết nối liên thông và phân tầng chia sẻ dữ liệu; xây dựng, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công quốc gia kết nối với hệ thống thông tin một cửa điện tử tại các bộ, địa phương; thiết lập hệ thống thông tin chính phủ phi giấy tờ; có lộ trình phát triển mạng di động không dây 5G...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, thể hiện quyết tâm xây dựng CPĐT, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc thành lập Ủy ban quốc gia về CPĐT trên cơ sở kiện toàn Ủy ban quốc gia về ứng dụng CNTT do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Ủy ban. Ủy ban có các thành viên là bộ trưởng các bộ liên quan trực tiếp tới các nhiệm vụ trong xây dựng CPĐT để gắn kết xuyên suốt các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời Ủy ban có sự tham gia của đại diện cho khu vực tư nhân giúp phát huy hiệu quả hợp tác công - tư trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Các nhiệm vụ triển khai CPĐT sẽ được đánh giá gắn liền với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu từng bộ, ngành, địa phương và được đo lường qua bộ chỉ tiêu đánh giá hiệu quả, đo lường chất lượng kết quả xây dựng CPĐT để bảo đảm tính chính xác và công bằng thông qua tổ công tác giúp việc của Ủy ban.

“Xây dựng CPĐT hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số là một chủ trương lớn cần được đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới. Để hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra cần có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị tạo ra một phương thức điều hành mới, một cách làm mới nhằm góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển, ứng dụng rộng rãi CNTT nhằm phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ số mang lại, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng.

Có thể bạn quan tâm

Theo Microsoft, có đến 88% lao động tri thức ở Việt Nam sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ở nơi làm việc. AI được cho là giúp người lao động tiết kiệm thời gian, tăng khả năng sáng tạo và tập trung vào các nhiệm vụ chính.