Bên cạnh đó, là những con số phần nào phản ánh bức tranh “đối nghịch”, khi hai MXH nước ngoài là Youtube và Facebook vẫn chiếm lĩnh thị trường cả về số lượng người dùng lẫn doanh thu (chiếm 70% doanh thu quảng cáo số của Việt Nam năm 2019, tương đương 450 triệu USD).
Bức tranh “tỉ lệ nghịch” về số lượng và chất lượng
Có thể thấy, những năm gần đây, mạng xã hội (MXH) là một kênh chia sẻ thông tin, giải trí, giao lưu... khá phổ biến, tác động lớn đến đời sống xã hội ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Với tốc độ phát triển internet nhanh ở Châu Á, theo thống kê chưa chính thức, tại Việt Nam, có khoảng 67% tổng dân số sử dụng Internet và 57% tổng dân số sử dụng MXH. Hầu hết mọi thành phần trong xã hội Việt Nam - từ lãnh đạo đến công dân bình thường- đều đã và đang sử dụng các MXH như một thói quen hằng ngày.
Tất nhiên, Facebook vẫn đang chiếm thị phần cao nhất với khoảng 67 triệu người dùng tại Việt Nam, thuộc Top 7 các quốc gia có lượng người dùng MXH Facbook lớn nhất thế giới. Cùng đó, người dùng Việt Nam còn ưa thích các mạng xã hội khác như: Youtube, Instagram, Zalo, Mocha...
Bên cạnh các số liệu tổng quan này, trong bản tham luận tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) diễn ra ngày 28/12 vừa qua, đại diện Công ty Truyền thông Viettel đưa ra nhận định: Người dùng sử dụng hầu hết thời gian vào mạng xã hội, trong đó có 96% người sử dụng internet xem video trên Youtube. Hai mạng xã hội nước ngoài là Youtube và Facebook chiếm lĩnh thị trường, kể cả về số lượng người dùng và doanh thu (chiếm 70% doanh thu quảng cáo số của Việt Nam ~ 450 triệu USD vào năm 2019).
Những con số đó phần nào đã phác thảo nên bức tranh toàn cảnh đầy “đối nghịch” về số lượng và chất lượng của lĩnh vực MXH tại Việt Nam.
Các chuyên gia đã phân tích nhiều về những điểm ưu – khuyết mà MXH mang đến cho đời sống. Trong đó, có thể nêu nhiều điểm tích cực như vai trò kết nối cộng đồng trực tuyến và ánh xạ lên đời sống thực tế là rất rõ ràng. Hay, với doanh nghiệp và một số cơ quan/tổ chức đặc thù, MXH cũng đã tạo những thuận lợi lớn để đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử, để có thể truyền thông, tiếp thị, PR cho thương hiệu và sản phẩm của mình.
Bên cạnh những điểm tích cực đó, một trong những đặc trưng của MXH là sự đan xen hai mặt tốt và xấu. Tin xấu, tin giả, nạn vu khống trục lợi trên MXH đang lan tràn như một bệnh dịch, gây ra nhiều tổn thương/tổn thất cho các cá nhân và cộng đồng; đặc biệt là đối với doanh nghiệp - đối tượng mà khi bị vu khống, trục lợi trên mạng xã hội hậu quả sẽ rất lớn cả về thương hiệu cũng như công việc kinh doanh. Thực tế tình trạng nêu trên đã diễn ra ngày càng nhiều, không phải là cá biệt, mà đã trở thành vấn nạn lớn.
Cuộc chơi tốn kém và kỳ vọng lớn
Còn nhớ, ngày 16/9/2019, sau một thời gian chuẩn bị khá “ồn ào”, Công ty VCCorp đã chính thức ra mắt MXH “Made in Việt Nam” Lotus (Lotus.vn). Cũng trong khoảng thời gian đó, giới truyền thông đồng loạt nhắc đến những cái tên như: Hahalolo, Astra, Biztime, Gapo, Hotit... Câu chuyện MXH Việt Nam “nóng” trở lại với vô số các phân tích, bàn luận cũng như những câu hỏi lớn về lộ trình phát triển và cách thức tạo ra doanh thu, xa hơn nữa là làm sao để thành công và có thể cạnh tranh với Facebook, Google,..
Theo ông Nguyễn Thế Tân - CEO VCCorp, các MXH ở Việt Nam hiện nay còn chưa chuyên nghiệp, ít cảm xúc, nặng về đọc, các nội dung “kén khách” chưa có đất sống. Từ nhận định này, Lotus sẽ tạo ra các concept, ý tưởng sản phẩm tốt và đúng để đáp ứng nhu cầu của người dùng. MXH Lotus được xây dựng dưới góc độ nền tảng phân phối nội dung của người sử dụng tạo ra tới tay các độc giả. Theo đó, Lotus sẽ thu hút người dùng bằng nội dung tốt hơn, chất lượng hơn và đa dạng hơn. “Chúng tôi xây dựng các công cụ để người dùng có thể tạo ra những nội dung đẹp hơn, mới mẻ và sinh động hơn một cách dễ dàng và đơn giản…” - ông Tân nói.
Cùng theo vị này, mỗi ngày người dùng có một quỹ thời gian truy cập Internet nhất định. Do đó, nếu MXH Lotus hấp dẫn, ngưởi dùng sẽ có thời gian truy cập nhiều, dẫn đến thời gian dành cho Facebook, YouTube... giảm đi và ngược lại. “Vì thế, chúng tôi chắc chắn phải cạnh tranh với Facebook, YouTube về thời gian người dùng sử dụng” - ông Tân cho biết.
Tuy nhiên, Lotus không cạnh tranh trực tiếp với Facebook về cách sử dụng MXH (vì người dùng vẫn sẽ vào Facebook để tương tác với bạn bè cũng như để xem môi trường xung quanh mình diễn biến như thế nào) mà là về các “nội dung ưu tiên” được người dùng chủ động lựa chọn. “Đây là một nhu cầu khác. Người dùng vào Lotus để xem các nội dung, vấn đề mà mình quan tâm” - ông Tân khẳng định.
Để có nội dung ban đầu tốt, ở giai đoạn đầu, Lotus hợp tác với hơn 500 nhà sáng tạo nội dung trong 20 lĩnh vực khác nhau (giáo dục, kinh tế, nhiếp ảnh, viết truyện, blog, vlog, lifestyle, giải trí, âm nhạc, marketing,...) và trên 30 nguồn chính luận báo chí (VTV, Tuổi trẻ, Lao động, Thanh niên, Dân trí, Quân đội nhân dân,...).
Vẫn trăn trở về con đường phát triển
Trong một thời gian dài, câu chuyện phát triển MXH Việt Nam bị chững lại, sau những “cuộc rút lui và thất bại” của Tamtay.vn, Yume.vn, Zing Me, Go.vn,… Song song đó là sự thâm nhập thành công của Facebook và YouTube vào thị trường Việt Nam. Với sức mạnh công nghệ, nguồn lực tài chính và khả năng “bản địa hóa”, Facebook và YouTube đã phủ kín thị trường Internet cũng như nhu cầu MXH của người Việt Nam là điều thấy rõ; khiến các MXH Việt Nam nói trên “không có đất sống và tồn tại”.
Mặc dù có cả ý chí chính trị lẫn nguyện vọng kinh doanh nhằm thúc đẩy việc xây dựng, phát triển MXH Việt Nam, nhưng đáp lại là câu trả lời khá khắc nghiệt từ thị trường. Đến nay, có vẻ như chỉ có Zalo của VNG và Mocha của Viettel là tồn tại và đang tiếp tục được đầu tư, phát triển theo hướng đi riêng. Zalo phát triển từ 1 ứng dụng OTT trên nền tảng di động từ sớm, có thời gian để tích lũy, điều chỉnh và tích hợp rất nhiều dịch vụ, ứng dụng đi kèm. Hiện Zalo có khoảng 70 triệu thuê bao và đang được đầu tư để trở thành “1 siêu ứng dụng”, chứ không đơn thuần là 1 MXH. Mocha cũng phát triển từ 1 ứng dụng OTT với lợi thế của nhà mạng di động và đang được định hướng sẽ trở thành “1 siêu ứng dụng”, nhưng mục tiêu của Mocha là đối tượng khách hàng trẻ với các dịch vụ giải trí như phim, âm nhạc. Hiện Mocha có khoảng hơn 20 triệu thuê bao.
Phần còn lại của các MXH Việt Nam được cấp giấy phép đang ở đâu và như thế nào? Theo Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ TT-TT) nhận định, hầu hết những MXH này hoạt động theo dạng diễn đàn, không được ưa chuộng so với các MXH nước ngoài có nhiều ứng dụng nổi trội, cấu trúc phong phú, giao diện thu hút, khả năng tương tác và liên kết cộng đồng cao.
Từ đầu năm 2019 đến nay, lãnh đạo Bộ TT-TT, cụ thể là Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng rất quan tâm đến việc phát triển XMH Việt Nam. Một loạt chỉ đạo được đưa ra nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt phát triển MXH Việt, nhất là sau khi hàng loạt sai phạm của Facebook và Google ở Việt Nam được chỉ rõ. Theo lộ trình, trong nửa cuối 2019 đầu 2020, sẽ có 5-6 mạng xã hội Việt Nam được đầu tư bài bản với các nhóm công nghệ phát triển sẽ ra mắt thị trường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc phát triển một sản phẩm công nghệ là luôn đổi mới, không dừng lại nên nếu số vốn đầu tư không đủ lớn, mô hình không đủ tốt thì sẽ “cuộc đốt tiền” kinh khủng. Chưa kể, việc phát triển MXH cần có “tính đột phá” vươn tới những giá trị mới hơn MXH cũ với tính toàn cầu thì mới có thể thành công, thu hút được người dùng.