Theo dự thảo ngân sách liên bang của Chính phủ Canada công bố hồi giữa tháng 4, nước này đã thông báo mức thuế áp đặt đối với các công ty cung cấp dịch vụ Internet tại Canada.
Theo đó, các hãng công nghệ có doanh thu toàn cầu từ 900 triệu USD trở lên sẽ phải chịu mức thuế 3% tại Canada. Chính sách thuế này dự tính sẽ đóng góp 3,4 tỷ CAD vào nguồn thu ngân sách của Canada trong 5 năm và mức thuế này sẽ được áp dụng cho đến khi một thỏa thuận đa phương phù hợp ra đời.
Hiện Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đang nghiên cứu những thay đổi để điều chỉnh thuế doanh nghiệp phù hợp với lợi nhuận thu được tại mỗi nước, không bao gồm quốc gia mà hãng đặt trụ sở chính.
Các điều chỉnh này đặc biệt nhắm vào các "gã khổng lồ" trong lĩnh vực công nghệ, vốn đang chỉ phải trả mức thuế thấp hơn doanh thu và lợi nhuận thực tế có được tại các nước khác nhau.
OECD muốn đạt được một thỏa thuận trên nguyên tắc ở cấp độ toàn cầu tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dự kiến diễn ra vào ngày 9-10/7 tới, trước khi chính thức ký kết văn bản cuối tại hội nghị vào tháng 10.
Ngoài vấn đề thuế đối với các công ty công nghệ, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai và Bộ trưởng Thương mại Canada Mary Ng cũng trao đổi về tranh cãi giữa hai nước liên quan tới mặt hàng gỗ xẻ.
Với lý do gỗ xẻ của Canada đã được bán với giá thấp hơn giá thị trường để thúc đẩy xuất khẩu, Mỹ đã áp thuế đối kháng (là biện pháp thuế quan đặc biệt của một quốc gia được áp dụng để bù đắp những thiệt hại do những biện pháp trợ cấp của chính phủ một quốc gia khác đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu trong thương mại), đồng thời khởi kiện Canada ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Sau khi WTO ra phán quyết có lợi cho Ottawa, tháng 9/2020, Mỹ đã kháng cáo.
Theo Ủy ban Thương mại Mỹ (USTR), quan chức thương mại hai nước nhất trí sẽ tiếp tục hợp tác để giải quyết tranh cãi về gỗ xẻ cũng như những vấn đề khác, đồng thời duy trì kênh liên lạc mở.