Theo các quy định mới do Bộ Thương mại Mỹ ban hành, bất kỳ công ty nào bán bất kỳ sản phẩm nào của Huawei được sản xuất ở bất kỳ đâu bằng công nghệ Mỹ sẽ phải có giấy phép. Biện pháp này nhằm ngăn chặn nỗ lực của Huawei để trốn tránh các kiểm soát xuất khẩu của Mỹ bằng cách lấy các bộ phận điện tử thông qua bên thứ 3.
Các quy tắc được xây dựng dựa trên các hạn chế tương tự được ban hành vào tháng 5 khi Bộ Thương mại Mỹ cải tiến các quy định bao gồm các chipset là sản phẩm trực tiếp của một số thiết bị sản xuất chất bán dẫn đặt bên ngoài nước Mỹ. Sự thay đổi như vậy có thể cấm Huawei mua sản phẩm từ các công ty nước ngoài và vượt qua các hạn chế của Mỹ.
Ông Paul Triolo của Eurasia Group cho biết: “Sẽ có một số nhầm lẫn về cách thức thực thi điều này, nhưng mục đích là khá rõ ràng. Ở mức tối thiểu, nó có khả năng ảnh hưởng đến các nhà cung cấp Mỹ, những người cung cấp cho Huawei từ các địa điểm không thuộc Mỹ”.
Ông Paul Triolo cho rằng: “Vấn đề chính sẽ là cách các nhà cung cấp chất bán dẫn không phải của Mỹ cho Huawei đối xử với quy tắc này. Nếu có đủ các công ty trên toàn cầu tuân thủ, khả năng tạo ra các giải pháp thay thế của Huawei sẽ bị cắt giảm nghiêm trọng, dẫn đến nghi ngờ về sự tồn tại tiếp tục của Huewei như một thực thể thương mại khả thi”.
Điểm đáng chú ý nhất là cách các nhà sản xuất chất bán dẫn trong nước của Trung Quốc phản ứng với động thái này.
Bộ Thương mại cũng đã thêm 38 chi nhánh của Huawei tại 21 quốc gia vào danh sách đen kinh tế của chính phủ Mỹ được gọi là tổ chức, nhằm ngăn cấm hiệu quả các công ty nước ngoài xuất khẩu công nghệ của Mỹ cho các thực thể mà không có giấy phép, bao gồm Công nghệ Điện toán Đám mây Huawei và Huawei Cloud Bắc Kinh. Động thái này nâng tổng số lên 152 chi nhánh bị đưa vào danh sách đen kể từ khi Huawei được thêm lần đầu tiên vào tháng 5.2019.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết: “Vì chúng tôi hạn chế quyền tiếp cận công nghệ của Mỹ, Huawei và các chi nhánh của họ đã làm việc thông qua các bên thứ 3 để khai thác công nghệ của Mỹ theo cách làm suy yếu lợi ích chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ. Hành động đa hướng này thể hiện cam kết liên tục của chúng tôi trong việc cản trở khả năng làm như vậy của Huawei”.
Hạn chế là biện pháp mới nhất của chính quyền Trump nhằm trấn áp các công ty công nghệ Trung Quốc để ngăn họ phát triển các sản phẩm sử dụng công nghệ của Mỹ vì lo ngại an ninh quốc gia.
Với quan hệ Mỹ - Trung đang ở mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, Washington đang thúc đẩy các chính phủ trên thế giới loại bỏ Huawei, cho rằng họ sẽ giao dữ liệu cho chính phủ Trung Quốc vì tội làm gián điệp. Huawei phủ nhận họ làm gián điệp cho Trung Quốc.
Theo đó, chính quyền Trump cũng đã gây áp lực buộc các chính phủ khác hạn chế Huawei xây dựng mạng 5G của họ. Anh, Úc và Canada cho đến nay đã loại công ty Trung Quốc khỏi cơ sở hạ tầng thế hệ tiếp theo của họ theo sự thúc giục của chính phủ Mỹ.
Cuối tháng 6, cơ quan giám sát viễn thông Mỹ - Ủy ban Truyền thông Liên bang đã chỉ định Huawei và ZTE là các mối đe dọa an ninh và cấm các công ty Mỹ sử dụng quỹ chính phủ để mua sản phẩm của họ. Ngoài việc hạn chế quyền truy cập vào các chip có chứa công nghệ Mỹ, Mỹ cũng đã ngăn chặn Huawei mua các chip được thiết kế trong phòng thí nghiệm của chính họ và được chế tạo bằng công nghệ của Mỹ.
Tổng thống Donald Trump đã cáo buộc Huawei là do thám người Mỹ.
Động thái mới này của chính quyền Trump có hiệu lực ngay lập tức, sẽ ngăn chặn những nỗ lực của Huawei nhằm lách các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Các hạn chế hiện tại của Mỹ đã tác động nặng nề đến Huawei và các nhà cung cấp của họ. Các hạn chế được công bố vào tháng 5 sẽ không hoàn toàn có hiệu lực cho đến ngày 14.9.
Tuy nhiên, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ cho rằng: “Những hạn chế rộng rãi này đối với việc bán chip thương mại sẽ gây ra sự gián đoạn đáng kể cho ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ. Chúng tôi rất ngạc nhiên và lo ngại trước sự thay đổi đột ngột của chính quyền từ việc ủng hộ trước đó sang một cách tiếp cận hẹp hơn nhằm đạt được các mục tiêu an ninh quốc gia đã nêu trong khi hạn chế tổn hại cho các công ty Mỹ”.