Mỹ tìm cách phát Wi-Fi từ mặt trăng

Tạp chí Nhịp sống số - Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) tiết lộ đang xem xét khả năng xây dựng mạng lưới internet trên mặt trăng để giải quyết tình trạng truy cập mạng không đồng đều trên khắp nước Mỹ, đồng thời hỗ trợ cho sứ mệnh Artemis trong tương lai.

Sứ mệnh Artemis có nhiệm vụ đưa con người lên mặt trăng lần hai, sau cột mốc lịch sử năm 1972. Steve Oleson - trưởng Phòng thí nghiệm La Bàn tại NASA cho biết Wi-Fi cần thiết vì phi hành đoàn, tàu khám phá, dụng cụ khoa học và các thiết bị đào mỏ sẽ cần liên lạc với Trái đất trong suốt quá trình làm việc lâu dài trên mặt trăng.

Song song đó, NASA cho biết tình trạng truy cập internet không đồng đều, thiếu khả năng tiếp cận công nghệ ở một số khu vực của Mỹ đang là một trở ngại lớn, ngày càng trầm trọng hơn do đại dịch Covid-19.

Mỹ tìm cách phát Wi-Fi từ mặt trăng - ảnh 1

Wi-Fi từ mặt trăng sẽ giúp giải quyết các vấn đề trên Trái đất

Theo một báo cáo của Liên minh Hòa nhập Kỹ thuật số Quốc gia, khoảng 31% hộ gia đình ở thành phố Cleveland không có khả năng truy cập internet băng thông rộng.

Sau khi báo cáo được công bố, một tổ chức phát triển kinh tế tại Cleveland, Ohio (Mỹ) đã liên hệ với Trung tâm Nghiên cứu Glenn của NASA để phân tích tình trạng "bất bình đẳng" công nghệ tại khu vực này và xem xét triển vọng dùng internet trên mặt trăng để giải quyết các vấn đề ở Trái đất.

Thông qua trường hợp Cleveland, các nhà nghiên cứu NASA thử đánh giá mạng lưới internet trên mặt trăng sẽ hoạt động thế nào ở Trái đất. Họ so sánh diện tích bề mặt mặt trăng với diện tích khu vực xung quanh thành phố Cleveland, từ đó nhận ra chỉ cần lắp router (bộ định tuyến) Wi-Fi trên 20.000 cột đèn ở Cleveland là đủ nhận tín hiệu từ mặt trăng, cung cấp internet cho mọi hộ gia đình tại đây. Oleson đánh giá tần số Wi-Fi trên mặt trăng có thể giống như Trái đất, dù các thiết bị hoạt động ở hai môi trường khác nhau.

Mỹ tìm cách phát Wi-Fi từ mặt trăng - ảnh 2

Các phi hành gia cần kết nối mạng để làm việc trên mặt trăng

Đặt bộ định tuyến cách nhau không quá 100 thước, một gia đình 4 người có thể truy cập mạng với tốc độ tải xuống 7.5 Mb/giây, đủ đáp ứng các nhu cầu cơ bản như làm bài tập, truy cập ngân hàng, mua sắm, tìm kiếm thông tin, nhưng sẽ không đủ để phát trực tuyến video chất lượng 4K hay chơi game.

Kết quả nghiên cứu sẽ được gửi đến cho các nhà hoạch định sứ mệnh Artemis để họ tạo ra những thiết bị có thể hoạt động trong môi trường khắc nghiệt trên mặt trăng.

Đến thời điểm hiện tại, việc phát Wi-Fi trên mặt trăng chỉ mới là một ý tưởng, nhưng nhóm nghiên cứu NASA hy vọng có thể biến ý tưởng thành hiện thực để cung cấp internet đáng tin cậy cho các cộng đồng chưa được tiếp cận công nghệ ở Mỹ.

Theo TNO

Có thể bạn quan tâm

Thị trường đám mây châu Á - Thái Bình Dương được dự báo có tỷ lệ tăng trưởng lớn nhất cho tới năm 2030 nhờ quá trình công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ. Tại thị trường Việt Nam, dự báo quy mô dịch vụ điện toán đám mây đạt hơn 1.200 triệu USD vào năm 2030.