Dịp cận Tết Nguyên Đán, số vụ lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng với nhiều chiêu trò, diễn biến khó lường.
Hãy cùng Meta - đơn vị sở hữu mạng xã hội Facebook - nhận diện những "kịch bản" lừa đảo trực tuyến phổ biến để có thể phòng tránh hiệu quả.
Lừa đảo trực tuyến gia tăng dịp cận Tết
Trong những tuần cận Tết, nhu cầu mua sắm tăng mạnh theo nhu cầu sắm sửa quà Tết, đồ trang trí nhà cửa và thực phẩm dành cho các bữa tiệc tại gia của người tiêu dùng. Nhiều người tiêu dùng lựa chọn mạng xã hội là kênh mua sắm chính vì sự tiện lợi và khả năng tiếp cận với nhiều nhãn hàng, sản phẩm mà hình thức này mang lại.
Theo một nghiên cứu do Boston Consulting Group (BCG) và Meta thực hiện, 73% người tiêu dùng Việt được khảo sát sử dụng tin nhắn để tiếp cận doanh nghiệp, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ sử dụng Kinh doanh Hội thoại cao nhất. Theo một khảo sát của Meta, người tiêu dùng không chỉ sử dụng kênh trực tuyến cho mục đích mua sắm mà còn có xu hướng gửi quà tặng thông qua các kênh kỹ thuật số.
Tuy nhiên, sự gia tăng trong hoạt động mua sắm và trao đổi dịp Tết thông qua các nền tảng số cũng tạo cơ hội cho những chiêu thức lừa đảo trực tuyến diễn ra nhiều hơn. Những chiêu trò này thường rất đa dạng và biến đổi khôn lường, gây ra mối đe dọa đối với an ninh tài chính và thông tin cá nhân của người dùng.
Để giúp cộng đồng cảnh giác trước các hành vi lừa đảo có thể phát sinh trên các nền tảng của mình, Meta đã chia sẻ một số cách thức đã nêu ra một số chiêu thức lừa đảo trực tuyến phổ biến và cách thức phòng tránh cho người dùng tại Việt Nam.
Nhận diện các chiêu thức lừa đảo phổ biến dịp lễ tết
1. Vé du lịch giá rẻ
Khi các gia đình lên kế hoạch đoàn tụ hoặc đi du lịch trong dịp nghỉ lễ, những kẻ xấu lợi dụng nhu cầu cao về phương tiện di chuyển giá cả phải chăng để đưa ra những chương trình khuyến mãi hấp dẫn dành cho vé máy bay hoặc tàu xe.
» Người dùng nên đặt mua trực tiếp vé du lịch qua các kênh bán chính thức hoặc các công ty du lịch có uy tín, hoặc kiểm tra tính xác thực qua các đánh giá của những khách hàng từng đặt mua.
2. Phong bao lì xì điện tử giả mạo
Gần đây, lì xì điện tử đang trở thành một hình thức mừng tuổi mới bên cạnh những phong bao đỏ mà mọi người trao tận tay nhau vào những ngày đầu năm. Những kẻ lừa đảo đã lợi dụng xu hướng này để giả mạo người quen của nạn nhân và gửi những chiếc lì xì điện tử ảo qua mạng xã hội hoặc nền tảng nhắn tin. Nếu người dùng nhấp vào các liên kết, họ có thể vô tình cung cấp thông tin cá nhân và trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo.
» Người dùng nên xác thực danh tính của người gửi trước khi nhận những phong bao lì xì này.
3. Ưu đãi thực phẩm
Người tiêu dùng dịp Tết cũng có thể gặp phải những chiêu trò lừa đảo trong lúc vội vã mua sắm nhu yếu phẩm cho dịp Tết. Kẻ xấu có thể giả mạo các đơn vị cung cấp thực phẩm để đưa ra các ưu đãi độc quyền nhằm lôi kéo khách hàng với mức giảm giá hấp dẫn.
» Người dùng nên xác minh thông tin từ nguồn đáng tin và mua hàng từ những nhà cung cấp uy tín.
Cách thức phòng tránh lừa đảo trực tuyến dịp Tết Nguyên Đán
Để tránh mắc bẫy lừa đảo trên các nền tảng số dịp Tết Nguyên Đán sắp tới, người dùng được khuyến khích làm theo những cách sau đây:
Thiết lập xác thực 2 yếu tố (2FA): Việc triển khai xác thực 2 yếu tố sẽ giúp người dùng bổ sung thêm một lớp bảo vệ cho tài khoản trực tuyến của họ, giảm nguy cơ truy cập tài khoản trái phép.
Xác thực trước khi gửi tiền hoặc thông tin cá nhân: Hãy thận trọng khi tiếp cận những người không quen biết và tránh chia sẻ thông tin nhạy cảm hoặc thực hiện giao dịch tài chính với người lạ.
Báo cáo các bài đăng đáng ngờ trên Facebook hoặc Instagram: Hãy sử dụng tính năng báo cáo bằng cách nhấp vào ba dấu chấm trên bài đăng khi bắt gặp nội dung đáng ngờ. Hành động này sẽ giúp Meta xác định và thực hiện các biện pháp chống lừa đảo.