Những thông tin trên được đưa ra từ Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam năm 2020 (Vietnam Retail Banking Forum), diễn ra tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 26/11 với chủ đề "Vai trò dịch vụ ngân hàng bán lẻ trong việc thúc đẩy số hóa nền kinh tế thời kỳ hậu Covid". Đây là sự kiện thường niên do IDG Vietnam phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều nhận định về các cơ hội và thách thức mà chuyển đổi số mang lại với ngành Ngân hàng nói chung và ngân hàng bán lẻ nói riêng; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp góp phần thúc đẩy quá trình số hóa nền kinh tế từ góc độ tài chinh - ngân hàng.
Theo đó, năm 2020 là một năm đầy biến động và thách thức đối với ngành ngân hàng Việt Nam nói chung, đặc biệt là với dịch vụ ngân hàng bán lẻ nói riêng. Đại dịch Covid-19 đã có những tác động không nhỏ làm thay đổi nền tảng vận hành hệ thống theo các chiều hướng tích cực và tiêu cực khác nhau.
Đầu tiên, việc kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn, đình trệ đã tác động tiêu cực và trực tiếp đến hoạt động cho vay của ngân hàng, dư nợ tín dụng chỉ đạt 3,26%, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2019. Cùng với đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các ngân hàng đã thực hiện việc tái cơ cấu nợ, giảm thuế phí các loại nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Từ các nguyên nhân chính trên, thu nhập của tất cả các ngân hàng bị giảm, kéo theo lợi nhuận giảm. Trong cuộc họp vào ngày 13/4/2020 với thủ tướng chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết lợi nhuận của các ngân hàng có vốn đầu tư nhà nước trong năm 2020 sẽ phải giảm đến 40% để hỗ trợ lãi suất cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, từ góc nhìn khác, các chuyên gia cho rằng dịch Covid-19 cũng đem lại những điều tích cực cho sự phát triển chung. Theo số liệu từ Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2020 đã có 200 triệu giao dịch thanh toán qua Internet với giá trị khoảng 12,9 triệu tỷ đồng, tăng 36% giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng giao dịch qua điện thoại di động lên tới 472 triệu giao dịch (bằng 178% so với năm 2019) với giá trị khoảng 4,9 triệu tỷ đồng (bằng 177% so với năm 2019). Cùng đó, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN đã xử lý khoảng 69,2 triệu giao dịch, với giá trị xấp xỉ 50 triệu tỷ đồng (tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2019); Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử đã xử lý gần 498 triệu giao dịch, đạt giá trị 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 72,4% về số lượng và tăng 102,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Đình Thắng - Nguyên Chủ tịch NH Bưu điện Liên Việt, dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhận thức chuyển đổi số ngành ngân hàng sớm thêm từ 3 đến 5 năm, đặt các hệ thống ngân hàng trước yêu cầu bắt buộc phải chuyển đổi số để tồn tại và phát triển. Điều này phù hợp với xu hướng số hóa lĩnh vực tài chính, ngân hàng trên toàn thế giới và đây chính là cơ hội tạo bước nhẩy vọt cho ngành ngân hàng Việt Nam.
Đồng quan điểm, ông Lê Đình Duy – phó Tổng Giám đốc của NGS IT - cho biết: "Thực tế, các NH tại Việt Nam đã thực hiện chuyển đổi số từ cách đây 1- 2 năm. Đó phần lớn là các NH lớn với nhu cầu chuyển đổi số để thích ứng nhu cầu thị trường, đồng thời đáp ứng chiến lược về CNTT và các giải pháp công nghệ. Là một trong những đơn vị tư vấn về giải pháp chuyển đổi số, NGS cũng đã bắt tay hợp tác với họ trong việc xây dựng chiến lược và đề xuất giải pháp. Chúng tôi nhận thấy, một số NH đã có chiến lược bài bản và thực hiện theo đúng lộ trình, giải quyết được phần cơ bản về đáp ứng các nhu cầu khách hàng; trong khi một số NH khác mặc dù muốn thực hiện chuyển đổi số nhưng chỉ mới tiến hành một cách manh mún".
Chia sẻ về những thách thức mà quá trình này mang lại, ông Nguyễn Minh Thoại - Giám đốc Kỹ thuật số của DIGI-TEXX cho rằng, ngành dịch vụ tài chính là một trong những ngành tập trung phát triển chuyển đổi số toàn diện, song đi kèm với cơ hội là một số thách thức.
"Đầu tiên là về nguồn kinh phí đầu tư vào công nghệ và việc mở rộng các kênh liên kết đa dạng nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng khá tốn kém. Tuy nhiên, việc xử lý hồ sơ nội bộ chưa thật sự tinh gọn do quy trình và yêu cầu phức tạp, gây lãng phí thời gian cho khách hàng và tốn nhiều nguồn lực của NH. Bên cạnh đó là vấn đề về pháp lý. Không thể phủ nhận, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ và thay đổi quan trọng nhằm tháo gỡ những vướng mắc, song còn phải mất rất nhiều thơi gian thì mới có thể nới lỏng dần các yêu cầu cho ngành NH. Đồng thời, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số NH diễn ra thuận lợi và toàn diện, Chính phủ cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu định danh toàn quốc. Khi đó, các thông tin khách hàng đều được quản lý tập trung, thuận tiện cho việc truy cứu dữ liệu và xác thực thông tin người dùng".
Theo đánh giá của ông Thoại, một trong những thách thức lớn nhất đối với NH trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay là vấn đề bảo mật thông tin. Ngoài việc tập trung phát triển và nâng cao khả năng bảo mật của hệ thống nội bộ, ngân hàng cần chú trọng hơn trong việc xây dựng một quy trình xử lý thông tin và lưu trữ dữ liệu khách hàng một cách thông minh, nhất quán và khép kín. Qua đó, tránh tạo ra các kẽ hở quản lý gây rò rỉ dữ liệu, tạo điều kiện cho các hành vi gian lận và đánh cắp thông tin. Ngoài ra, với tác động từ Covid-19, hành vi người dùng thay đổi dẫn đến lực đẩy lớn, điều này sẽ khiến các NH phải vận động nhanh hơn nếu muốn giữ chân khách hàng.
Nhiều chuyên gia dự báo, năm 2021, khi dịch Covid-19 tại Việt Nam được khống chế và ổn định phần nào, ngành ngân hàng sẽ có sự bứt tốc đáng kể dựa trên nền tảng số, từ đó góp phần quan trọng trong việc số hóa nền kinh tế quốc gia.
Trong khuôn khổ sự kiện Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam 2020, BAOVIET Bank được vinh danh là Ngân hàng có sản phẩm/dịch vụ sáng tạo năm 2020 với sản phẩm Bảo Việt One Care. Là thành viên của Tập đoàn Bảo Việt, BAOVIET Bank có lợi thế trong việc khai thác hàng chục triệu khách hàng của Bảo Việt. Ngân hàng đang hợp lực với các đơn vị thành viên của Tập đoàn nhằm đem lại giải pháp tài chính ưu việt dành cho khách hàng. BAOVIET One Care là một trong những sản phẩm dành riêng cho khách hàng của Bảo Việt Nhân Thọ với nhiều chính sách ưu đãi như: Miễn phí chuyển tiền, nộp rút tiền mặt; Miễn phí phát hành Thẻ tín dụng nội địa và phí thường niên năm đầu; Được cộng lãi suất tiền gửi tiết kiệm; Được giảm lãi suất vay vốn; Ưu đãi khi mua bảo hiểm phi nhân thọ của Bảo hiểm Bảo Việt qua kênh Banca... Đây có thể xem là một sản phẩm hội tụ các đặc trưng riêng có của Bảo Việt nói chung, BAOVIET Bank nói riêng mà chưa ngân hàng nào triển khai, mang đến cho khách hàng cơ hội được hưởng ưu đãi tốt nhất về các dịch vụ tài chính ngân hàng. |