Khảo sát được trường Đại học Würzburg và Nottingham-Trent thực hiện. Theo đó, những người tham gia khảo sát khi được bố trí ở phòng chờ một mình thường chỉ chờ đợi 44 giây trước khi chạm vào smartphone.
Đặc biệt, nam giới thậm chí không đợi được phân nửa số thời gian đó, với chỉ số trung bình chỉ 21 giây. Phụ nữ giỏi "chịu đựng" hơn khi khoảng thời gian này là 57 giây.
Đáng nói là, sau 10 phút, người tham gia sẽ được hỏi về bao lâu thì họ dùng tới điện thoại. Phần lớn đều trả lời khoảng 2-3 phút, cho thấy sự không liên quan rõ ràng giữa ý nghĩ và hành động.
Trong suốt 10 phút chờ đợi, trung bình người tham gia sử dụng điện thoại gần nửa thời gian (5 phút).
Nhà nghiên cứu Jens Binder thuộc Đại học Nottingham Trent cho biết: “Cuộc nghiên cứu cho thấy người ta gắn bó với những thiết bị này hơn họ tưởng. Thậm chí, nó trở thành thế giới thứ hai khi chỉ có điện thoại và họ. Hơn cả công nghệ, việc thông tin nhanh và tương tác qua thiết bị khiến chúng trở thành một người đồng hành và kết nối với thế giới bên ngoài trong thế giới số”.
Các trường đại học cũng tiến hành thêm một nghiên cứu cho thấy việc bắt buộc kiểm tra điện thoại có thể là kết quả của sự sợ bỏ lỡ (fear of missing out – FOMO) nhiều thứ khi không online. Trong cuộc khảo sát, người tham gia sử dụng điện thoại nhiều hơn rơi vào cấp độ FOMO cao hơn.
Astrid Carolus, Đại học Würzburg, nói thêm: “Người tham gia sử dụng điện thoại càng nhiều thì họ càng sợ mình đang bỏ lỡ nhiều khi không kết nối. Thật khó để nói rằng người ta sử dụng điện thoại nhiều hơn vì sợ bỏ lỡ gì đó hay vì sử dụng quá nhiều nên lo lắng bị bỏ lỡ nhiều”.