Đó là những nội dung được đặt ra tại hội thảo quốc tế “Năng lượng tái tạo Việt Nam – Từ chính sách tới thực tiễn”, diễn ra ngày 27/11 tại Hà Nội. Hội thảo có sự tham dự của đại diện Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, lãnh đạo các tỉnh Ninh Thuận, Đắk Lắk, Bình Thuận, Tây Ninh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB)... các chuyên gia Quốc tế và trong nước.
Nghịch lý "thiếu mà thừa" điện
Hội thảo đề cập đến một vấn đề vừa làm nóng Nghị trường tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 14, đó là vấn đề quy hoạch điện năng lượng tái tạo và những vướng mắc trong giải tỏa công suất. Tính đến cuối tháng 6/2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời, với tổng công suất lắp đặt 4.543,8 MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Con số này đã vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (chỉ 850 MW điện mặt trời vào năm 2020).
Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh của các dự án điện tái tạo trong khi hệ thống truyền tải không theo kịp đã dẫn tới tình trạng quá tải, nhiều nhà máy phải giảm phát tới 60% công suất, gây thất thoát, lãng phí. Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Do hạn chế của lưới truyền tải, việc giảm phát gây thiệt hại ước tính hàng trăm tỉ đồng cho các dự án”. Cụ thể, riêng tại Ninh Thuận, ước tính khả năng giải tỏa công suất chỉ đáp ứng khoảng 800 MW, trong khi hiện có khoảng 1.180 MW dự án đưa vào vận hành làm quá tải lưới điện 110 KW, phải tiến hành giảm phát để tránh quá tải.
Trước thực tế trên, Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đã đặt kế hoạch đầu tư lưới điện rất lớn trong các năm tới. Theo kế hoạch này, giai đoạn 2016-2020 tổng vốn đầu tư lưới điện là 214.000 tỉ đồng và giai đoạn 2021-2030 là 610.000 tỉ đồng. Đáng nói là, với số vốn đầu tư này, EVN khó lòng đáp ứng được áp lực về tài chính. Trong khi đó, theo quy định hiện nay, chưa có những điều kiện cụ thể để tận dụng nguồn lực xã hội đầu tư vào hệ thống truyền tải điện. Theo các chuyên gia, cần có những chính sách tháo gỡ kịp thời các rào cản và "điểm nghẽn" hiện nay, để phát triển điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam tương xứng với tiềm năng và quy mô đầu tư.
Được biết, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, EVN và các bộ ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng lưới điện truyền tải, không để xảy ra tình trạng giảm phát gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, trong khi nhu cầu về điện lại đang thiếu hụt. Việc đầu tư lưới điện truyền tải này cần rà soát các quy định pháp luật và nghiên cứu cơ chế thí điểm cho các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia đầu tư, báo cáo Thủ tướng trong tháng 11 này.
Cùng đó, Bộ Công thương cũng cần khẩn trương lập quy hoạch điện VIII, báo cáo Thủ tướng phê duyệt trong năm sau. Ngoài ra, sẽ thực hiện phương án đầu thầu để xác định giá bán điện mặt trời áp dụng từ ngày 1/7/2019. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu việc ban hành giá điện mặt trời áp dụng từ ngày 1/7/2019 cần tuân thủ một số nguyên tắc như: Chỉ áp dụng biểu giá khuyến khích cố định đối với các dự án đã ký được hợp đồng mua bán điện và đang thi công, đưa vào vận hành trong năm sau. Các dự án còn lại và dự án mới sau này sẽ chuyển hẳn sang hình thức đấu thầu công khai, cạnh tranh để giảm giá mua điện.
Giải trình trước Quốc hội mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết dự kiến điện năng sản xuất năm 2019 sẽ đạt 240 tỉ KWh, tăng trên 10% so với năm 2018. Tuy nhiên, con số này chưa đủ để giải quyết vấn đề thiếu điện và cần giải pháp tháo gỡ hữu hiệu. Trong khi đó, tình trạng dự án chậm tiến độ đang trở nên trầm trọng khi trong khoảng 60 dự án đang đầu tư, có đến 35 dự án công suất 200 MW trở lên chậm tiến độ từ 1-5 năm, thậm chí kéo dài hơn.
Trong khi đó, EVN cho biết: năm 2019 tập đoàn phải huy động khoảng 2,57 tỉ KWh điện từ chạy dầu với chi phí rất cao. Đến năm 2020, sản lượng huy động các nguồn điện chạy dầu có thể tăng tới mức 8,6 tỉ KWh. Sản lượng điện thiếu hụt năm 2021 khoảng 6,6 tỉ KWh, năm 2022 tăng lên khoảng 11,8 tỉ KWh và năm 2023 là 15 tỉ KWh. Riêng năm 2020 gần như không có dự phòng nguồn điện nên có thể đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong các tình huống cực đoan.
Cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển năng lượng tái tạo bền vững
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đánh giá: "Nguy cơ thiếu điện hiện nay đã được tích tụ từ nhiều năm trước. Bù đắp cho sự thiếu hụt này là sự phát triển trở lại các dự án nhiệt điện than, nhưng các dự án này không đạt tiến độ theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), dẫn đến không hoàn thành mục tiêu bổ sung 7000 MW điện mỗi năm".
Đó là chưa tính đến áp lực từ việc đảm bảo các quy định liên quan đến môi trường trong phát triển nhà máy nhiệt điện. Nguồn điện vốn nhận được kỳ vọng lớn trong xã hội thời gian qua là năng lượng tái tạo hiện có công suất lắp đặt chiếm tỉ trọng khoảng 9% tổng công suất nguồn điện cả nước nhưng sản lượng mới chỉ đạt 2,5%.
Đồng quan điểm, các chuyên gia cũng cho rằng: nếu có - và cần phải có - những chính sách tháo gỡ kịp thời, thì nguồn điện từ các nhà máy điện năng lượng tái tạo sẽ góp phần bổ sung nguồn điện, giảm áp lực thiếu điện, bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Việc "xã hội hóa" trong lĩnh vực này, cụ thể là có cơ chế, chính sách cho phép tư nhân tham gia đầu tư vào hệ thống truyền tải điện để khắc phục được tình trạng quá tải lưới điện, sẽ giải tỏa được hết công suất của các nhà máy điện năng lượng tái tạo, khắc phục được sự thiếu hụt nguồn điện năng.
Tại hội thảo, đại diện Ngân hàng Thế giới cũng nhấn mạnh việc đảm bảo hệ thống truyền tải, xây dựng khung pháp lý phù hợp với sự phát triển của Việt Nam sẽ khuyến khích, thu hút các bên cùng tham gia phát triển năng lượng tái tạo.
Trong số nhiều giải pháp được đưa ra tại Hội thảo lần này, ThS. Nguyễn Anh Tuấn (Ủy viên HĐKH Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng) cho rằng: Hệ lụy của sự thiếu đồng bộ khi triển khai từ chính sách tới thực tế không chỉ bộc lộ qua các vấn đề như đã nêu trên, mà còn thể hiện qua cơ chế giá FIT điện mặt trời áp dụng cho các vùng, hay cơ chế đấu thầu dự án... Vì thế, các chính sách và bước tiếp theo (như quy hoạch, kế hoạch hành động...) cần phải đồng bộ, chính sách cần phải được ban hành trước khi phê duyệt các quy hoạch liên quan.