Mới đây, PwC lần đầu công bố báo cáo "Mức độ sẵn sàng về kỹ năng số Việt Nam" dựa trên kết quả cuộc khảo sát từ ngày 12/11/2020 đến ngày 27/12/2020. Trong những năm gần đây, công nghệ đã và đang phát triển với tốc độ chóng mặt, dẫn đến sự thiếu hụt nhân tài đáp ứng các tiêu chuẩn đặt ra bởi các công việc mới trong nền kinh tế số.
Sự phát triển của tự động hóa cũng đang thay đổi cách thức thực hiện công việc và khiến việc làm trong các ngành gặp rủi ro. Hai xu hướng này đã mở rộng khoảng cách kỹ năng giữa lực lượng lao động hôm nay và tương lai.
Đại dịch COVID-19 đang ngày một thúc đẩy sự thay đổi của việc làm và cách mọi người làm việc. Vì vậy người lao động cần có những hiểu biết để vững vàng chuẩn bị cho tương lai, thông qua việc áp dụng công nghệ và các kỹ năng mới.
Nỗi sợ máy móc thay thế con người?
85% người được hỏi nói rằng công nghệ mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro. Mức độ lạc quan này cũng cao hơn mức trung bình toàn cầu.
Kết quả đó xuất phát từ tính năng chính của tự động hóa - là khả năng tự động thực hiện các công việc thủ công và lặp lại thường xuyên. Điều này sẽ giúp giải phóng thời gian để người lao động tập trung vào những công việc thử thách và thú vị hơn.
Số hoá kéo theo thay đổi về công việc và kỹ năng
Cùng với sự tiến bộ của công nghệ, 83% người Việt Nam tham gia khảo sát cho rằng công việc của họ sẽ thay đổi trong vòng 3-5 năm tới. Còn trong 6-10 năm tới, tỷ lệ này 90%.
Có tới 93% đã và đang học các kỹ năng mới để hiểu rõ hơn hoặc sử dụng công nghệ tốt hơn. Các kỹ năng liên quan tới kỹ thuật số được chú trọng, với 43% người tham gia khảo sát chia sẻ nguyện vọng trở nên thành thạo hơn trong việc học và tiếp thu các công nghệ mới, 34% muốn phát triển kỹ năng chuyên sâu hơn với một công nghệ cụ thể.
Cùng với đó, 88% người tham gia khảo sát cho biết họ được trao cơ hội để nâng cao kỹ năng số tại nơi làm việc. "Đây là một con số đáng khích lệ, cho thấy nỗ lực từ phía doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực của nhân viên", bà Vân chia sẻ.
Nhưng sự mất cân bằng cung cầu kỹ năng và khoảng cách cơ hội đang ngày một gia tăng khi nền kinh tế đang có những bước chuyển mình ngày càng mạnh mẽ theo xu hướng số hóa tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Theo kết quả cuộc khảo sát "Lãnh đạo Doanh nghiệp Toàn cầu năm 2021" của PwC, 79% các CEO khu vực Châu Á Thái Bình Dương bày tỏ lo ngại về sự thiếu hụt các kỹ năng cần thiết và ở toàn cầu là 72%.
Với vấn đề này, 55% người được hỏi nhận thấy việc nâng cao kỹ năng là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Nhưng theo đại diện PwC, các giải pháp cần được phát triển và triển khai một cách tổng thể, từ chính phủ, tổ chức giáo dục, doanh nghiệp đều có vai trò trong việc tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận với các chương trình nâng cao kỹ năng.