Một diễn đàn mới chuyên sâu về Internet, công nghệ tương lai phục vụ phát triển cộng đồng Việt Nam VNNIC- Internet Conference 2022 sẽ được Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức từ ngày 22-25/6 tại Đà Nẵng.
Diễn đàn quy tụ hơn 300 lãnh đạo/CEO, chuyên gia Internet trong nước và quốc tế; kết nối các nhóm đối tượng cộng đồng Internet Việt Nam, từ cơ quan nhà nước phụ trách công nghệ thông tin, đến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, dịch vụ di động, Cloud, IDC, dịch vụ nội dung; Nhà đăng ký tên miền “.vn”, thành viên địa chỉ IP Việt Nam; các tổ chức, Hiệp hội Internet trong khu vực… cùng thảo luận, giải quyết những bài toàn lớn, chuyên sâu về Internet Việt Nam trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Theo Trung tâm Internet Việt Nam, tương lai của Internet gắn với sự bùng nổ của các công nghệ mới như IoT), Cloud Computing, AI, Blockchain, 5G/6G… với số lượng thiết bị kết nối vượt 100 tỷ, nhu cầu kết nối tốc độ cao ở bất cứ địa điểm nào. Với viễn cảnh nào của Internet trong quá trình số hoá, IPv6 là tương lai duy nhất.
Kể từ mạng di động thế hệ 4G/LTE, IPv6 đã trở thành giao thức mặc định cho phép trải nghiệm người dùng tốt hơn, hỗ trợ bảo mật nhiều lớp, đồng thời giúp đơn giản kiến trúc mạng. Theo thống kê của Google, tính đến tháng 3/2022, tỷ lệ ứng dụng IPv6 toàn cầu đạt khoảng 34% với 1,9 tỷ người sử dụng IPv6. Việt Nam đặt mục tiêu chuyển đổi toàn bộ mạng Internet sang hoạt động với IPv6, 100% người sử dụng truy cập Internet IPv6 tới năm 2025.
Tương lai của Internet sẽ không chỉ dừng ở việc chuyển đổi sang IPv6 để giải quyết nhu cầu về tài nguyên Internet. Sự kết hợp IPv6 với các công nghệ tiên tiến, hình thành các mạng “IPv6 +” sẽ tạo ra tính đột phá và cải tiến cho mạng Internet tương lai, VNNIC nhấn mạnh.
Các phân tích của Viện tiêu chuẩn Viễn thông châu Âu (ETSI), công nghệ cải tiến IPv6 (IPv6+AI, IPv6+SRv6,…) sẽ trở thành xu hướng chính để nâng cấp và cải tiến mạng Internet; đồng thời tác động trực tiếp đến GDP của một quốc gia, tạo ra nền tảng số hoá cho nhiều ngành công nghiệp.
Theo đó, IPv6+AI giúp rút ngắn 80% thời gian phân tích nguyên nhân sự việc và giảm 50% chi phí vận hành, bảo dưỡng cho các ngành sản xuất. Trong lĩnh vực tài chính, công nghệ mới trên nền IPv6 nâng cao tính linh hoạt trong các giao dịch trực tuyến và thanh toán kỹ thuật số. SRv6 cho phép các chi nhánh và đại lý ở các khu vực khác nhau có thể truy cập các dịch vụ đám mây chỉ trong một bước.
Bên cạnh các công nghệ cải tiến IPv6, Blockchain cũng được đánh giá như “phát minh ra mạng Internet lần thứ hai”. Theo ông Ladid Latif, Chủ tịch Diễn đàn IPv6 toàn cầu (IPv6 Forum), Blockchain được thiết kế cho IPv6. Bằng cách sử dụng không gian địa chỉ IPv6 làm nguồn và đích cho các giao dịch Blockchain, sẽ tạo ra mô hình Internet tốt nhất, xây dựng một thế giới và tương lai tốt đẹp hơn.
Việc ứng dụng công nghệ mới trên nền IPv6, kết hợp cùng các công nghệ AI, IoT, 5G/6G và Blockchain không chỉ mở bước tiến mới cho tương lai của Internet mà còn đặt ra các vấn đề về mở rộng hạ tầng mạng lưới, phát triển các hạ tầng Internet quan trọng, yêu cầu về bảo mật, an toàn thông tin, khai thác dữ liệu,…