Với con số lợi nhuận cao lên đến hàng tỷ đô mỗi năm, Logistics đang là dịch vụ kinh doanh hấp dẫn của nhiều công ty trong và ngoài nước. Tuy nhiên, các số liệu cho thấy nguồn nhân lực Logistics ở nước ta không những thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng. Hiện nguồn cung cấp lao động chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu. Điều này là không hợp lý với ngành dịch vụ có quy mô lên đến 22 tỷ đô la Mỹ, chiếm 20,9% GDP cả nước, tốc độ tăng trưởng từ 20-25% hàng năm.
Quyết định số 200 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định tầm quan trọng của đào tạo nguồn nhân lực trong phát triển Logistics tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Logistics cũng đang là một trong 12 nhóm ngành được cộng đồng kinh tế ASEAN ưu tiên và hỗ trợ phát triển nhằm tăng cường kết nối, xây dựng khả năng cạnh tranh chung. Điều này đặt ra tính cấp thiết trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Trước thực tế đó, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam, nhằm đẩy mạnh liên kết "3 nhà": Cơ quan quản lý - doanh nghiệp - trường Đại học; cũng như định hướng nghề nghiệp cho đối tượng nhân lực trẻ.
Tại Ngày hội thông tin Cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam 2020 do Mạng lưới Đào tạo Logistics Việt Nam tổ chức ngày 6/9 vừa qua tại Hà Nội, bà Cao Cẩm Linh – Trưởng phòng Chiến lược Viettel Post - với vai trò diễn giả đã có những đề xuất để nâng cao chất lượng ngành Logistics Việt Nam hướng tới đạt chuẩn quốc tế, trong đó nhấn mạnh vai trò của việc đào tạo nguồn nhân lực trẻ.
“Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành Logistics của chúng ta chưa đáp ứng đúng, đủ so với yêu cầu của quốc tế. Bên cạnh nỗ lự của mỗi trường/ cơ sở đào tạo, cần đến vai trò của những liên minh, hiệp hội... để có thể cập nhật xu hướng thị trường và các ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực này, định hướng cho công tác đào tạo cũng như chính những người theo học ngành này. Qua đó, trong thời gian ngắn nhất, chúng ta có thể điều chỉnh sát sao chương trình dạy và học, rút ngắn được khoảng cách từ những kiến thức học thuật trên trường đại học đến công việc thực tế tại các doanh nghiệp”, bà Linh nói.
Bên cạnh việc đào tạo nguồn nhân lực trẻ, đại diện Viettel Post cho rằng cũng cần chú trọng đến các yếu tố khác cho việc phát triển ngành Logistics, như: cơ chế chính sách cho hoạt động thông quan hàng hóa (nhất là phần liên quan đế thương mại điện tử); chất lượng cơ sở hạ tầng cho logistics (như cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông vận tải cũng như hạ tầng về CNTT); tính thuận tiện trong việc sắp xếp, tra cứu hàng hóa bằng việc tối ưu công nghệ và cuối cùng là khả năng truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Theo bà Cao Cẩm Linh, với vị trí là doanh nghiệp Logistics hàng đầu Việt Nam, Viettel Post đã đóng góp những kinh nghiệm, giá trị thực tiễn để các bạn trẻ có kiến thực thực tế hơn. Thông qua cuộc thi, Viettel Post cũng mong muốn tìm ra những “hạt giống” mới cho thế hệ nhân tài của logistics Việt Nam và góp phần nâng cao nhận thức xã hội về tầm quan trọng cũng như lợi ích của việc phát triển lĩnh vực logistics với nền kinh tế đất nước. Đây sẽ là cơ hội đáng giá cho những bạn trẻ đang theo học hay có niềm đam mê với ngành Logistics được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp và khẳng định năng lực bản thân.