Nhân tài Đất Việt 2017 công bố 17 sản phẩm CNTT vào chung khảo

Nhân tài Đất Việt 2017 công bố 17 sản phẩm CNTT vào chung khảo
Tạp chí Nhịp sống số - Hôm nay (31/10), Ban Tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt (NTĐV) đã họp báo công bố kết quả vòng Sơ khảo NTĐV 2017 ở lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT). Đã có 17 sản phẩm xuất sắc nhất tham gia vòng thi Chung khảo.

Giải thưởng NTĐV 2017 lĩnh vực CNTT với chủ đề “Công nghệ sáng tạo - Kết nối thông minh ” nhằm mục đích hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và khởi nghiệp sáng tạo đã thu hút đông đảo thí sinh trong và ngoài nước tham với các sản phẩm sáng tạo và hoàn thiện, có tính thực tế cao.

Đại diện Ban tổ chức cho biết: năm nay, NTĐV lĩnh vực CNTT có tổng cộng 289 sản phẩm dự thi với các lĩnh vực ứng dụng rất đa dạng từ lĩnh vực hành chính công, chính phủ điện tử cho tới thương mại điện tử, giáo dục, giao thông, bất động sản, qui hoạch… Qua sơ tuyển, Hội đồng Giám khảo đã chọn được 66 sản phẩm hợp lệ và đủ điều kiện để đưa vào chấm thi sơ khảo, trong đó có 23 sản phẩm CNTT Tiềm năng, 25 sản phẩm CNTT Khởi nghiệp và 18 sản phẩm CNTT Kết nối, Di động.

Ngày 29/10 vừa qua, Hội đồng Sơ khảo đã có buổi làm việc tập trung và lựa chọn được 17 sản phẩm xuất sắc nhất tham gia vòng thi Chung khảo.

Ông Nguyễn Long - Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo NTĐV 2017 nhận định: “Ở Giải thưởng năm nay, có thể thấy rõ những khát khao, tham vọng của các tác giả trẻ với các ý tưởng, công nghệ mới. Hội đồng Sơ khảo đánh giá cao về số lượng cũng như chất lượng sản phẩm dự thi lĩnh vực CNTT 2017. Với Giải thưởng lĩnh vực khởi nghiệp lần đầu tiên được mở ra, nhiều sản phẩm có giá trị khởi nghiệp, bắt đầu kêu gọi đầu tư và đang trong quá trình thu hút đầu tư để bùng nổ”.

Ban tổ chức cho biết, sau đây, Hội đồng Chung khảo sẽ đi khảo sát đánh giá chất lượng và thực tế triển khai hoạt động, tính khả thi của các sản phẩm vào chung khảo để có cái nhìn khách quan và đánh giá xác thực nhất các sản phẩm dự thi. Ngày 14/11 tới, các tác giả, nhóm tác giả được vào vòng chung khảo lĩnh vực CNTT sẽ tập trung tại Hà Nội và thuyết trình, bảo vệ sản phẩm trực tiếp trước Hội đồng Chung khảo. Lễ công bố và trao Giải thưởng NTĐV 2017 sẽ diễn ra tối 16-11 tới tại Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên VTV2.

Trong những năm qua, rất nhiều sản phẩm đã đạt giải NTĐV đã, đang và sẽ tiếp tục nhận được sự đầu tư, hỗ trợ từ các đơn vị tài trợ của Giải thưởng, đặc biệt là nhà tài trợ chính VNPT, đồng thời cũng nhận được sự quan tâm, đầu tư từ nhiều doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, theo đại diện VNPT, trong bối cảnh Chính phủ phát động chương trình xây dựng "Quốc gia khởi nghiệp", với vị thế là một doanh nghiệp Viễn thông - CNTT hàng đầu của đất nước, đồng thời là đơn vị tổ chức và là nhà tài trợ chính của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, thời gian vừa qua, VNPT đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ Startup. Một trong những hoạt động nổi bật và được cộng đồng Startup đón nhận tích cực nhất đó là chuỗi sự kiện working Space với chủ đề “Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội nào cho Startup?” tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, nhằm chia sẻ kiến thức, bí quyết thành công từ các chuyên gia, diễn giả nổi tiếng trong lĩnh vực CNTT, các startup Việt đã thành công với cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp.

Dưới đây là thông tin về 17 sản phẩm CNTT vào chung khảo NTĐV 2017

I. HỆ THỐNG GIẢI THƯỞNG CNTT TIỀM NĂNG:

 1. “Giải pháp quản lý bán hàng thông minh MaxSale” của nhóm tác giả: Phan Thanh Toàn, Lê Hồng Sơn, Đặng Trần Đức, Đỗ Chí Cường, Bùi Đức Thiện. MaxSale là giải pháp giúp nhà kinh doanh Online tự động bán hàng và chăm sóc khách hàng 24/7 qua Inbox (Facebook Messenger), Comment (Facebook Fanpage/Group…).

2. “DoIT – Hệ thống hỗ trợ nâng cao chất lượng văn bản” của nhóm tác giả Trường ĐH Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà  Nội. Hệ thống DoIT gồm hai tính năng cơ bản là kiểm lỗi chính tả và phát hiện trùng lặp cho tài liệu tiếng Việt. Hệ thống có thể xử lý các tài liệu ở nhiều định dạng phổ biến hiện nay: doc, docx, pdf, ppt,...

3. “Tranh tô màu 4D Kolorfun” của nhóm tác giả Công ty cổ phần phát triển công nghệ thực tế ảo Việt Nam. Đây là quyển Tô màu 4D đầu tiên do Việt Nam sản xuất, sách được xuất bản vào quý I-2017.

4. “giasan.vn – Hệ thống tổng hợp, phân tích dữ liệu thị trường bất động sản trực tuyến” của nhóm tác giả Đinh Tuấn Việt, Nguyễn Hữu Dũng, Bùi Tuấn Ánh, Nguyễn Hoàng Long, Nguyễn Kiêm Hiếu, Trần Việt Trung. Sản phẩm có tính ứng dụng cao, phục vụ nhu cầu cấp thiết cần có một hệ thống báo cáo tình hình thị trường BĐS trực tuyến. Cung câp thông tin thống kê tự động về lịch sử giá bán các loại hình BĐS (chung cư, nhà đất, văn phòng..) trong khoảng thời gian dài từ 2015 đến nay.

5. “Ứng dụng công nghệ mô phỏng thực tế ảo 3D xây dựng cơ thể người phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong khối ngành khoa học sức khỏe” của nhóm tác giả Trường ĐH Duy Tân. Sản phẩm sử dụng công nghệ mô phỏng 3D thực tại ảo để mô phỏng hệ cơ thể người, bao gồm đầy đủ các chi tiết giải phẫu gần giống với cơ thể người thật nhất để phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong khối ngành khoa học sức khỏe.

6. “Hệ thống hỗ trợ nghiệp vụ Hội đồng nhân dân các cấp” của nhóm tác giả Trung tâm Công nghệ Thông tin - VNPT Đắk Lắk. Hệ thống hỗ trợ nghiệp vụ Hội đồng Nhân dân các cấp hỗ trợ, đáp ứng công tác quản lý đơn thư , quản lý nghiệp vụ hành chính (mời họp, lên lịch công tác, lịch tiếp xúc cử tri), quản lý công việc, quản lý chất vấn, quản lý tình hình trả lời kiến nghị của cử tri của Hội đồng Nhân dân các cấp.

7. “Farmily – Mô hình chuỗi cửa hàng rau sạch trồng taij chỗ - Hái tận gốc” của nhóm tác giả Công ty TNHH nhựa Phú Mỹ Tân. Là sản phẩm cung cấp giải pháp trồng rau sạch. Ngoài ra, mô hình này còn cung cấp một chuỗi cửa hàng trồng rau sạch ngay bên trong, trực tiếp cung cấp sản phẩm đến tay khách hàng.

II. HỆ THỐNG SẢN PHẨM CNTT KẾT NỐI - DI ĐỘNG:

1. “Smart Solver”  của nhóm tác giả Công ty TNHH Công Nghệ Tự Do. Là phần mềm có thể tự học tập, suy nghĩ như con người. Có thể giải được những bài toán mà con người chưa giải được (ví dụ giả thuyết Riemann).

2. “Trợ lý ảo học ngoại ngữ Chebi Chat” của tác giả Đỗ Nhật Quang. Là phần mềm trợ lý ảo học ngoại ngữ, giúp người dùng có thể chat hoặc nói, giao tiếp thông qua smartphone hoặc máy tính có hỗ trợ micro thông qua ngôn ngữ tự nhiên (tiếng Việt, Trung, Anh). Chebi Chat phân tích và trả lời dựa theo ngữ cảnh giao tiếp với người dùng.

3. “Camplus Cộng” của nhóm tác giả Công ty CP công nghệ Beetech Việt Nam. Camplus Cộng là ứng dụng cung cấp: Tin tức, thông báo từ Đoàn/Trường, các cẩm nang hướng dẫn sinh viên từ hệ thống Campus; Cơ hội việc làm, định hướng nghề nghiệp.

4. “123Xe – Hệ thống quản lý, điều hành xe tự động và đặt xe online” của nhóm tác giả Nguyễn Trung Thành, Phạm Tuấn Anh, Bùi Quang Hiếu, Hoàng Văn Đạt. Hệ thống 123Xe chia làm nhiều ứng dụng khác nhau, dành cho quản lí nhà xe, tài xế và hành khách. Hệ thống 123Xe đầu tiên hướng đến trực tiếp lợi ích cho hành khách, tiết kiệm chi phí kinh tế cho người đi xe, đơn giản hóa thời gian đặt vé qua việc đặt xe online qua ứng dụng di động, chia sẻ chuyến đi với nhau.

5. “GOnJOY - Hệ thống trợ lý ảo hỗ trợ kinh doanh và thu thập dữ liệu trải nghiệm người dùng ứng dụng trong lĩnh vực giải trí, ăn uống” của nhóm tác giả Công ty TNHH M&AI. GOnJOY là một trợ lý ảo, thấu hiểu nhu cầu của người dùng và đưa ra các gợi ý thông minh và thân thiện về các địa điểm và các chương trình khuyến mãi trong lĩnh vực giải trí, ăn uống.

III. HỆ THỐNG SẢN PHẨM CNTT KHỞI NGHIỆP:

1. “Sản thương mại điện tử đại lý bán hàng online theo mô hình kinh doanh nhân bản hạt nhân” của nhóm tác giả Công ty cổ phần TMĐT 5T Quốc Tế. Là hệ thống kinh doanh online theo mô hình kinh doanh nhân bản hạt nhân website và quản lý theo Id (số điện thoại) của đại lý. Khác biệt với các sàn giao dịch khác là tạo ra cộng đồng đại lý bán hàng rộng lớn thông qua một click chuột.

2. “Phần mềm quản lý điều hành thông minh cho nhà vận tải – An vui” của nhóm tác giả Công ty TNHH Công nghệ vận tải An Vui. Là sản phẩm đầu tiên trên thị trường có khả năng quản lý tổng thể cho nhà vận tải từ khâu quản lý điều hành đến khâu bán vé và tiếp cận hành khách đặt vé online.

3. “Ứng dụng công khai thông tin quy hoạch trực tuyến – Bản đồ quy hoạch trực tuyến” của nhóm tác giả Công ty TNHH VLAB. Là giải pháp ra đời nhằm công khai thông tin quy hoạch, bản đồ quy hoạch giúp làm giảm tình trạng cò đất, làm khó người dân khi muốn tiếp cận nguồn thông tin quy hoạch.

4. “Giải pháp chống tấn công APT – CyberAPT” của nhóm tác giả Công ty cổ phần Công nghệ an toàn mạng Cyberlab. Là sản phẩm phần mềm tích hợp trên các thiết bị phần cứng phù hợp để tạo ra một giải pháp đồng bộ vừa đảm bảo các tính năng lẫn hiệu năng phục vụ cho việc phát hiện các tấn công có chủ đích APT.

5. “Ứng dụng kết nối dịch vụ Rada” của nhóm tác giả Công ty cổ phần Rada. Là ứng dụng kết nối người dùng với các nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp trên cơ sở phát triển hệ  thống ứng dụng di động.

Có thể bạn quan tâm

Theo Bộ TT- TT, quảng cáo trên môi trường mạng ngày càng khẳng định vị thế quan trọng với hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp. Do đó cần mở rộng hơn nữa danh sách trắng để doanh nghiệp quảng cáo trực tuyến.