Những ngày này, BS Ngô Đức Hùng cùng các đồng nghiệp đang tham gia chống dịch ở Hà Nam. Chia sẻ cùng độc giả qua mạng xã hội Facebook, anh cho biết: Cuốn sách Để yên cho bác sĩ “hiền” – Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể sẽ được Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam chính thức giới thiệu vào ngày 17/5 tới.
Theo đó, tiếp nối mạch tự sự pha với văn phong bút ký của Để yên cho bác sĩ “hiền” (2018), phiên bản Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể chính là một biên niên ngắn gọn về 2 năm Covid của thế giới và Việt Nam (giai đoạn cuối năm 2019 đến tháng 4 năm 2021) dưới góc nhìn của một bác sĩ trực tiếp tham gia chống dịch từ những ngày đầu. Đây sẽ là nơi tập hợp những câu chuyện ít được chia sẻ về dịch bệnh, về những con người "sống chung với lũ", cũng như thái độ của cá nhân và cộng đồng... khi đối mặt khó khăn, xáo trộn và vô vàn lo lắng vì bị thông tin tiêu cực bủa vây.
Cuốn sách gồm 4 chương: Mở đầu – Năm Covid thứ nhất – Tháng ngày bình yên – Năm Covid thứ hai, cùng với phần Vĩ thanh khép lại những ghi chép cho một giai đoạn đáng nhớ của cả nhân loại.
Cụ thể, cuốn sách được mở đầu với những sự kiện, dự báo về tình hình dịch bệnh và lây nhiễm virus mới - khi đó còn là một virus chưa được đặt tên chính thức, gây viêm phổi và có khả năng cao dẫn đến tử vong. Qua những bài học lịch sử về dịch bệnh trên thế giới, cùng với những thông tin nghiên cứu khẩn trương của các nhà khoa học khắp nơi trên thế giới, virus Corona, hay nCovi, Covid-19 dần được lộ diện. Cùng với đó là thái độ ứng xử của con người trong vai trò cá nhân và cộng đồng với chủng virus biến đổi khó lường này.
Chương hai và chương bốn là những câu chuyện được viết trong những Tâm dịch: Từ khu vực bệnh viện bị phong tỏa khi xuất hiện các ca dương tính với Covid, khi người nhà bệnh nhân cũng phải cách ly, các bác sĩ trực tiếp chữa bệnh và chăm sóc người bệnh; Đến với Bệnh viện Dã chiến nơi trực tiếp tiếp nhận, điều trị, cách ly người nhiễm Covid. Với cái nhìn trong cuộc đầy thực tế, thương cảm nhưng không bi lụy, giọng kể hài hước châm biếm chính mình đã giúp cho cuốn sách mang lại tinh thần tích cực trước những khó khăn chồng chất của dịch bệnh và cả những hố sâu dư luận cực đoan của một bộ phận cộng đồng thiếu thông tin, thiếu đồng cảm và cả thiếu hiểu biết.
Chương ba là câu chuyện của những ngày giãn cách chờ đợi những đợt sóng mới của dịch bệnh, thảnh thơi đi bên cuộc đời ngắm những yêu và sống, là những xót xa khi nhắc đến những cuộc chia ly... Vẫn nhịp điệu từ tốn, chất giọng giễu nhại như bàng quan đấy mà chua cay, mà tỉnh táo về những góc cạnh trong cơn đại dịch bệnh của cả nhân loại.
Một cái kết mở như lời chào tạm biệt với một viện dã chiến, trở về với giỗ mẹ muộn và câu hỏi “Thế nên dù tuyệt vọng, bạn vẫn nên tự hỏi quyết định ấy có đáng hay không?! Cố gắng làm điều bình thường nhỏ bé hay quay lưng lại nỗi đau khổ của con người mà chăm lo riêng cho bộ da của mình!?...”.
Cuốn nhật ký được tác giả viết chính trong tâm dịch những ngày dịch bệnh, không chỉ đem lại cho chúng ta góc nhìn đa chiều, những câu chuyện nhỏ của những con người ít được gọi tên, mà nó chính là một biên niên sử nhỏ về dịch bệnh, chính là lịch sử.
Trải qua những đợt dịch, những giãn cách xã hội, cách ly, phong tỏa... thay vì "đếm ca" và lo lắng dõi theo lộ trình các ca bệnh, đã đến lúc cộng đồng cần đến những liều "vitamin cảm hứng" tích cực để cùng nhau vượt qua những khó khăn trước mắt, nỗ lực hơn để góp phần phục hồi nền kinh tế của những ngày đang tới.
Bác sỹ Ngô Đức Hùng (1981) – Bác sĩ chuyên khoa Cấp cứu A9 – BV Bạch Mai (Hà Nội), Giảng viên Đại học Y Hà Nội. Tốt nghiệp loại giỏi trường Y và là bác sỹ nội trú sau 11 năm học liên tục. Được đi tu nghiệp nhiều nước trên thế giới nhưng vẫn quyết định ở Việt Nam làm bác sỹ. Tự nhận mình là kẻ đứng giữa dòng chảy cuộc đời nhưng điềm nhiên như đứng ngoài sự việc và mắc một thứ bệnh kinh niên là “tiêu chảy ngôn ngữ”, bác sỹ Hùng Ngô rất khéo tự hoạ mình và cuộc đời mình bằng con chữ, tuy nhiên, không có trong vốn từ vựng hai chữ “giá như”. Tác giả của: - Để yên cho bác sĩ “hiền” – NXB Thế giới, 2018 - 3 phút sơ cứu – NXB Thế giới, 2020 |